Tổng kết 3 năm thi hành Luật Lao động năm 2012, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, từ năm 2013 đến nay, cả nước có 3.146 cuộc đình công, tập trung ở 40 tỉnh, thành phố; riêng năm 2015 là 368 vụ; trong 6 tháng đầu năm 2016 là 132 cuộc.
Mâu thuẫn quyền lợi
“Trong bối cảnh thị trường lao động thường xuyên có những biến động theo cung - cầu, việc phát sinh những mâu thuẫn về quyền lợi giữa các bên là khó tránh khỏi. Các vụ tranh chấp lao động mà đỉnh điểm là đình công diễn biến phức tạp, nhất là khi có thay đổi chính sách liên quan đến lương, bảo hiểm xã hội”, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết. Đơn cử, vào ngày 16/2, hàng trăm lao động của Công ty TNHH Inkel (Mê Linh, Hà Nội) đã ngừng việc tập thể, để phản đối doanh nghiệp tăng lương tối thiểu vùng kiểu đối phó, cắt giảm phụ cấp, sa thải người lao động không đúng quy định, gây thiệt hại quyền lợi của công nhân lao động. Sau khi các bên ngồi lại đàm phán, với sự hỗ trợ của liên ngành thành phố Hà Nội, lãnh đạo Công ty Inkel đã đồng ý điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng quy định, giữ nguyên phụ cấp, cải thiện môi trường làm việc.
Nâng cao vai trò công đoàn trong giải quyết tranh chấp lao động. |
Ngày 15/4, hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH KaiYang, chi nhánh tại quận Kiến An (Hải Phòng), đã ngừng việc để yêu cầu giải quyết về cách khoán sản phẩm, cách tính ngày công lao động, việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)… Các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng cũng đã phải vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Liên quan đến vấn đề lương thưởng, ngày 10/6, hơn 350 công nhân Phân xưởng 1, Xí nghiệp may Vinatex Quảng Ngãi (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cũng ngừng làm việc, yêu cầu doanh nghiệp trả lương thỏa đáng. Theo phản ánh của công nhân, hợp đồng thỏa thuận là lương ở mức hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế công nhân chỉ nhận từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng. Mỗi đợt tăng ca, doanh nghiệp đưa ra mức trả là 22.000 đồng/giờ, nhưng công nhân cũng chỉ nhận được 17.000 đồng/ giờ. Sau khi đối thoại, lãnh đạo doanh nghiệp đã xem xét điều chỉnh lương, sắp xếp giờ làm việc phù hợp.
Không nhanh chóng được giải quyết như vậy, vụ việc không đóng BHXH cho công nhân của Công ty Kimono Japan (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã xảy ra hơn 5 năm, nhưng công ty vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng. Tổng số nợ BHXH của công ty hiện nay hơn 4 tỉ đồng. Do công ty không trích nộp BHXH, nên khi ốm đau, công nhân phải bỏ tiền túi để điều trị. Công nhân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng của thành phố Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng, nhằm đòi quyền lợi, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Chưa áp dụng theo luật
Ông Nguyễn Chí Hùng, Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN - KCX) Hà Nội cho biết: Các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể từ năm 2013 đến nay không đúng trình tự pháp luật. Năm 2013 có 3 vụ, năm 2014 có 4 vụ, năm 2015 có 3 vụ và từ năm 2016 đến nay có 5 vụ ngừng việc liên quan đến tiền lương, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng địa phương đã trực tiếp vào giải quyết. Như vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Inkel đầu năm 2016 có nguyên nhân chính có thỏa ước lao động tập thể. Do đó, người lao động cũng không nắm được quyền lợi và trách nhiệm của mình.
“Kiểm tra doanh nghiệp về hợp đồng lao động thì 100% có giao kết hợp đồng lao động, nhưng nhiều người lao động không nắm được nội dung hợp đồng. Hiện chỉ có 160/500 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Luật Lao động. Điều này cho thấy người lao động chưa nắm rõ quyền lợi khi làm việc tại doanh nghiệp”, ông Nguyễn Chí Hùng cho biết.
Theo ông Đặng Đức San, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), ngoại trừ cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, thì 3 cơ chế giải quyết về tranh chấp lao động tập thể đến nay vẫn không được vận hành trong thực tiễn. Do đó, xảy ra tình trạng có luật, nhưng công nhân vẫn không thực hiện theo luật khi ngừng việc tập thể.
Bên cạnh đó, các cuộc đình công trong thời gian qua đều có đặc điểm chung là: Không đúng quy trình đình công; không do Công đoàn tổ chức, lãnh đạo; đều được các tổ liên ngành giải quyết và các yêu sách của tập thể lao động đều được đáp ứng một phần hoặc toàn bộ.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cũng cho biết: Tất cả đều diễn ra không tuân theo như các quy định của Bộ luật Lao động 2012. Quan hệ lao động nêu trên cho thấy một số chế định của Luật Lao động 2012 thực thi chưa hiệu quả, hoặc hiệu quả chưa cao, cụ thể là các quy định về giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Trong quan hệ lao động, người lao động bao giờ cũng yếu thế. Do vậy, pháp luật lao động cần được tiếp tục sửa đổi theo hướng nâng cao mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp để răn đe.
“Cần sửa đổi, bổ sung Luật Lao động theo hướng tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ lao động. Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung, nhưng không làm suy giảm quyền lợi của người lao động so với Luật Lao động hiện hành”, ông Lê Đình Quảng đề xuất.