Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhìn nhận, đánh giá về môi trường và xác định trọng tâm, đề ra các giải pháp thích ứng phù hợp trong giai đoạn tới khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022.
Để làm rõ hơn các vấn đề môi trường lớn, những sức ép lên môi trường cũng như những trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn tới, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài “Bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới”.
Bài 1: Nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng
Môi trường nước ta đã và đang chịu áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn ô nhiễm môi trường đang gia tăng về số lượng, quy mô và mức độ tác động.
Thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trước đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra có quy luật theo mùa. Gầy đây, các hiện tượng này xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm xảy ra.
Các hiện tượng cực đoan trải dài rộng khắp cả nước, trong đó, điển hình là rét đậm và rét hại ở miền núi phía Bắc, khô hạn và mưa cực đoan ở miền Trung, hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam.
Rét đậm, rét hại có sự biến đổi phức tạp và biến động mạnh qua các năm. Số ngày rét đậm, rét hại giảm nhưng mức độ khắc nghiệt và độ dài các đợt rét có hấu hiệu gia tăng. Đặc biệt xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài kỷ lục cũng như những đợt rét hại có nhiệt độ khá thấp, thậm chí thấp nhất trong 40 năm gần đây. Tại các vùng núi cao như Pha Đin, Sa Pa hay Mẫu Sơn, nhiệt độ thấp nhất dao động từ -5 đến -4 độ C. Băng tuyết xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt là ở một số nơi như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An) có mưa tuyết lần đầu tiên trong lịch sử.
Mưa cực đoan có xu thế biến đổi khác nhau giữa các vùng khí hậu, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn. Điển hình năm 2016, trận mưa lớn nhất trong lịch sử 40 năm qua và lũ lụt ở Quảng Bình, Bình Định. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng chịu trận mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng chưa từng có. Lượng mưa đo được tại Chương Mỹ (Hà Nội) là 372mm, tại TP Hồ Chí Minh là 179mm. Năm 2019, mưa lớn ở Phú Quốc (Kiên Giang) đạt kỷ lục khi tổng lượng mưa trong 10 ngày đã đạt mức hơn 1.167mm, cao gấp 7 lần trung bình năm và gần bằng ½ tổng lượng mưa trung bình năm tại Phú Quốc.
Thống kê của Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, năm 2020, nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt, cuối năm 2020, miền Trung đã phải gồng mình gánh chịu thiên tai: Lũ chồng lũ, bão chồng bão với những mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 109 trận động đất nhẹ, 316 trận mưa đá, dông lốc, sét; 140 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 157 vụ sạt lở bờ sông, 7 đợt nắng nóng và 6 đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 1.428 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiên tai có yếu tố bất thường, thậm chí là dị thường, khó lường khi đầu năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nắng nóng gay gắt, cuối năm là hiện tượng La Nina khiến bão và mưa lớn dồn dập. Điển hình là hiện tượng mưa đá tại một số khu vực miền núi phía Bắc ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai.
Hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng hơn. Năm 2016, người dân miền Trung và miền Nam đã trải qua tình trạng này lớn nhất trong lịch sử 90 năm gần đây, ảnh hưởng tới 50 tỉnh, thành phố, trong đó 18 địa phương phải thông báo tình trạng khẩn cấp. Mùa khô 2019-2020, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, làm cho khoảng 96 nghìn hộ dân đang sinh sống tại 7 tỉnh ven biển bị thiếu nước sinh hoạt. Năm 2019, nhiệt độ đo được cao nhất tại Hương Khê (Hà Tĩnh) là 43,4 độ C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc của Việt Nam đến nay. Năm 2020, nền nhiệt trung bình trong tháng 3-4 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,6-3 độ C, trong đó đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ phổ biến từ 38-40 độ C.
Nhiều điểm nóng ô nhiễm nước trên lưu vực sông
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình ô nhiễm môi trường nước tại một số dòng kênh lớn, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là điểm nóng nhất, trong đó ô nhiễm nhất vẫn là kênh cấp 2 do các địa phương quản lý. Hệ thống này bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải thuộc lưu vực sông Hồng-Thái Bình dài hơn 200km đi qua 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Nhiều năm qua, hệ thống sông chưa được cải tạo, nạo vét lưu thông dòng chảy khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng thêm trầm trọng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, tổng lượng nước thải xả vào sông Bắc Hưng Hải hàng năm hơn 453.000m3/ngày, đêm, trong đó trên 58% là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Các loại nước thải còn lại gồm công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên 25%; chăn nuôi khoảng 12%; làng nghề hơn 6% và y tế khoảng 1%. Gần 60% nước sinh hoạt đô thị cơ bản chưa được xử lý, thải trực tiếp xuống hệ thống kênh Bắc Hưng Hải.
Mỗi năm có vài đợt cá chết hàng loạt, nhưng ở mức nhẹ hơn. Năm 2020 hậu quả nặng nề nhất. Tháng 3/2020, hơn 100 tấn cá các loại của hàng chục gia đình tại xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương chết chưa rõ nguyên nhân, thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Dương đã đem mẫu nước phân tích và kết luận ban đầu do thiếu ôxy và ô nhiễm nguồn nước.
Lưu vực sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê vẫn là một trong những điểm nóng ô nhiễm nghiêm trọng, nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng. Việc điều tiết nước sông tại cống Đặng Xá (Bắc Ninh) tại một số thời điểm chưa hợp lý, xả quá lớn và vượt quá khả năng tự làm sạch của sông gây hiện tượng cá chết tại vùng hạ lưu thuộc tỉnh Bắc Giang. Những năm gần đây xuất hiện thêm một số điểm nóng ô nhiễm khác là khu vực suối Bóng Tối (Thái Nguyên) có thể do ảnh hưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp và nước thải sinh hoạt khiến các thông số hữu cơ, dinh dưỡng có giá trị vượt ngưỡng B1 của quy chuẩn Việt Nam.
Vấn đề lớn nhất đối với sông Mê Công là suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn và nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới. Có sự hoạt động của một số nguồn thải lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường Long Mỹ Phát, do đó cần thực hiện giám sát nghiêm ngặt đối với nguồn nước tiếp nhận là sông Hậu và sông Cái Lớn.
Những thiệt hại do các sự cố môi trường nước đã được ghi nhận. Giai đoạn 2016-2020, trên lưu vực các sông này đã xảy ra một số sự cố môi trường không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân mà còn đe dọa đến an ninh nguồn nước quốc gia. Đó là sự cố do vỡ bể chứa bùn thải chì kẽm tại thị trấn Pắc Miêu (Cao Bằng) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC gây ô nhiễm môi trường đất của khu vực sản xuất nông nghiệp, nước sông Gâm bị ô nhiễm không sử đụng được cho sinh hoạt và sản xuất, cá tự nhiên và khoảng 1 tấn cá lồng nuôi bị chết. Sự cố vỡ cửa xả đáy hồ chưa nước thải Nhà máy tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn (Công ty Apatit Việt Nam) với khối lượng gần 9.000 m3 gây thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản, cây cối, hoa màu, ao nuôi thủy sản của người dân xã Đồng Tuyển.
Bài 2: Ô nhiễm không khí tiếp tục là vấn đề nóng