Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn đóng vai trò kinh tế quan trọng trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Thế nhưng hiện nay, nhiều làng nghề đang mai một và đứng trước nguy cơ bị thất truyền.

Mai một làng nghề truyền thống


Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2001 đã có 1.324 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (trong tổng số 4.575 làng có nghề trong cả nước). Mặc dù vậy, với những đặc thù riêng biệt, nhiều nghề truyền thống đang chịu những tác động tiêu cực, rất khó chống đỡ, thậm chí có những nghề đã bị thất truyền hoặc đứng trước nguy cơ bị thất truyền nếu không có một động thái hỗ trợ đặc biệt.

Làng nghề Thổ Hà từng nổi tiếng với nghề gốm nay đã chuyển sang
làm bánh đa.


Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trước đây nổi tiếng với sản phẩm gốm sành, loại gốm thô không phủ men, nhưng có độ sành cao và không hề bị ngấm nước. Vào thời kỳ hưng thịnh, cả làng Thổ Hà luôn đỏ lửa quanh năm. Thế nhưng vài năm trở lại đây, người dân Thổ Hà đã bỏ hẳn nghề gốm, chuyển sang làm bánh đa.


Làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vấp phải những khó khăn khác. Dù vẫn duy trì được nghề gốm truyền thống, nhưng sản phẩm lại bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc. Do giá thấp, màu sắc và chủng loại phong phú, nên hàng gốm sứ Trung Quốc được bày bán tràn lan, lấn át cả gốm sứ Bát Tràng, thậm chí ngay tại những gian hàng trong làng.

Còn làng tranh Đông Hồ đã chuyển sang làm vàng mã.


Làng Ước Lễ, xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội vốn nổi tiếng với sản phẩm giò chả. Giò chả Ước Lễ được các gia đình trong làng làm và chuyển đi nhiều nơi bán. Bí quyết làm giò chả được truyền từ đời này sang đời khác trong các thế hệ gia đình. Thế nhưng giờ đây làng Ước Lễ vắng lặng, đìu hiu, người dân ở đây cũng không còn làm giò chả nữa. Anh Nguyễn Văn Sự, một người dân Ước Lễ theo nghề làm giò chả, cho biết: “Gia đình tôi đã theo nghề này nhiều thế hệ. Trước đây làm ở làng và chuyển hàng ra Hà Nội bán, nhưng do điều kiện đi lại xa nên bây giờ chúng tôi chuyển hẳn lên Hà Nội làm và mở cửa hàng bán. Các nhà khác ở làng làm nghề như gia đình tôi bây giờ cũng chuyển đi khắp nơi chứ không còn ai ở làng nữa”. Chỉ có những dịp lễ, Tết, hay ngày hội làng thì người dân khắp nơi mới lại về làng và nghề giò chả trong làng mới lại có dịp được nhớ đến.


Không chỉ làng Thổ Hà, Bát Tràng hay Ước Lễ, mà còn rất nhiều các làng nghề khác như làng đúc đồng Ngũ Xã, cốm Yên Thái, tranh Hàng Trống, hương Yên Phụ… nổi tiếng một thời, nức tiếng gần xa, nhưng nay có nghề còn, nghề mất và cả những nghề đang dần bị mai một. Các ngôi làng với những hoàn cảnh khó khăn khác nhau đều đang cần được bảo tồn và phát triển.

Cần sự quan tâm của chính quyền


Ông Trịnh Đắc Tân, hộ cuối cùng còn “giữ lửa” cho lò gốm ở làng Thổ Hà, chia sẻ: “Vấn đề cạnh tranh thị trường, cạnh tranh kỹ thuật và hậu quả của cơ chế thời kỳ bao cấp để lại đã khiến cho nghề gốm xa rời dần với người dân. Chất lượng sản phẩm giảm sút, năng suất kỹ thuật không phát triển phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường là nguyên nhân khiến nghề gốm bị mai một”.


Sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường với sự góp sức của khoa học, kỹ thuật tiên tiến, đã tạo thêm sự cạnh tranh đối với các sản phẩm làng nghề. Nhu cầu sử dụng của con người cũng xa dần với những vật dụng bằng mây tre mộc mạc, để đến với đồ nhựa, đồ điện tử có nhiều mẫu mã, hình thức tinh xảo, tiện dụng. Thêm vào đó, các sản phẩm làng nghề chưa có đầu ra, thị trường bấp bênh, càng khiến cho những người dân làm nghề không còn theo nghề cũ nữa. Trước kia nhiều hộ gia đình thường tranh thủ những lúc “nông nhàn” để làm nghề, nay đã không còn đủ nuôi sống gia đình. Tình trạng lực lượng lao động làng nghề bị thu hút vào các khu công nghiệp mọc lên khắp làng quê, xảy ra ở nhiều nơi.


Ông Nguyễn Phúc Điền, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình cho biết: “Sự phát triển làng nghề còn thăng trầm theo tình hình phát triển của kinh tế thị trường. Ở Thái Bình, các làng nghề truyền thống cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như khu vực trong năm vừa qua, dẫn đến việc lao động làng nghề giảm sút. Một ví dụ như làng nghề mây tre đan Thượng Hiền trước kia gần 100% bà con tham gia làm nghề, nhưng giờ đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên nhiều bà con bỏ nghề”.


Trong tình hình cạnh tranh và đầu ra khó khăn như vậy, nhưng sự liên kết và hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và các làng nghề vẫn chưa chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc cơ sở hạ tầng ở các làng nghề còn chưa được được phát triển đúng mức, vấn đề truyền và lưu giữ nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, môi trường làng nghề nhiều nơi ô nhiễm, việc xây dựng quảng bá thương hiệu chưa để lại dấu ấn…


Bà Lê Thị Dinh, Chủ nhiệm hợp tác xã dệt thổ cẩm tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Làng nghề dệt thổ cẩm của chúng tôi đã có từ xa xưa với nghề thủ công dệt bằng tay. Chúng tôi cũng đang cố gắng truyền và phát triển nghề trong gia đình cũng như mở lớp dạy nghề cho học viên. Tuy nhiên do kinh phí và thời gian hạn hẹp nên việc truyền nghề gặp nhiều khó khăn vì nghề truyền thống cần thời gian lâu dài để truyền lại hết kinh nghiệm và kỹ thuật. Về phía địa phương cũng đã có sự giúp đỡ chúng tôi, nhưng chủ yếu về mặt tinh thần, chứ chưa có sự giúp đỡ về mặt vật chất”.


Bởi vậy, giải pháp để tháo gỡ các khó khăn đang đặt ra cho các làng nghề hiện nay và cũng là để bảo tồn và phát triển các làng nghề, đó chính là sự quan tâm và đầu tư đúng mức của các cấp chính quyền. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã khẳng định trong hội thảo “Xây dựng nông thôn mới và phát triển làng nghề bền vững” (do Bộ VH,TT&DL, Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Hội Nông dân Hà Nội tổ chức): Các chính sách của Nhà nước cần chú ý đầy đủ đến quyền lợi của người dân và các làng nghề, đồng thời các cấp chính quyền cần gần gũi quan tâm tới người dân hơn nữa, có như vậy làng nghề mới có thể bảo tồn và phát triển được.

Bài và ảnh: Vân Ly

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN