Bảo tồn “cây trăm tuổi - ”Kì 2: “Chứng nhân lịch sử” ở trường làng

Cây trôi ở thôn Kim Tháp, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn sừng sững và chứng kiến bao thay đổi của cảnh vật xung quanh: những ngôi mộ Hán, gò đất, rừng thông, chùa chiền và bây giờ là ngôi trường làng vang tiếng trẻ thơ.

Cây trôi ngàn năm tuổi


Cây trôi có đường kính thân gần 3 m, chu vi thân gốc 9 m, cao trên 25 m. Thân cây rỗng nên 4 - 5 người có thể ngồi trong thân cây. Tán cây rộng tới 31 m, uy nghi, sừng sững, vươn đều ra các hướng tỏa bóng mát. Lớp vỏ cây sần sùi, nứt nẻ. Những cây tai chuột xanh rì, xếp chồng lên, quấn lấy cành cây, như đứa trẻ con làm nũng mẹ. Lá trôi nhỏ, dày bản, giòn, mọc thành chùm. Trên cây trôi còn có một cây đa nhỏ mà rễ của nó như một thanh sắt, xuyên qua lớp biểu bì của cây trôi, đâm thẳng xuống đất. Rễ cây giống như những bức tường cao, nhấp nhô, uốn khúc trên mặt đất nên có muốn trèo từ bên nọ qua bên kia cũng không phải dễ dàng. Hàng trăm tổ chim trên cây quanh năm ríu rít.

Cây trôi nghìn năm ngày nay vẫn đứng sừng sững che bóng mát cho biết bao thế hệ học sinh trường THCS Nguyệt Đức.


Theo lời kể của các bậc cao tuổi trong làng, xưa kia, cây trôi nằm trong quần thể bãi Tháp rộng khoảng 16 mẫu Bắc bộ, xung quanh có chùa Tổ, chùa Non, đống Triền, đống Gỉ và bạt ngàn rừng thông. Ở chùa Non trước kia từng có 8 cây trôi lớn và 2 cây muỗm. Khi thực dân Pháp xâm lược, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, người dân Kim Tháp đã phá đi nhiều chùa chiền. Sau hòa bình, những cây trôi cũng dần được hạ để kiến thiết một số công trình phúc lợi của thôn, duy chỉ còn một cây trôi đại thụ tồn tại đến ngày nay.


Có rất nhiều câu chuyện thần bí về cây trôi cổ thụ này khiến người dân không dám chặt bỏ. Có tích kể lại: Trước kia, nơi này xảy ra một trận lụt lớn, có một cây trôi về không biết từ đâu trôi về, rồi bám rễ tại nơi này. Thế nên người dân gọi cây này là cây trôi. Lại có câu chuyện khác kể rằng: Khi chùa chiền vẫn còn, ở trong thân cây trôi này từng có con rắn lạ rất lớn, thân to như cái bắp chân người trưởng thành, trên đầu có mào, không rời cây trôi một tấc. Những người làng từ 50 - 80 tuổi đều khẳng định, đây là chuyện có thật (?) Về sau chùa bị phá, rừng thông cùng những cây đại thụ bị chặt bỏ, khu vực xung quanh thành ruộng nước, con rắn lạ kia cũng bỏ đi.


Khoảng hơn 10 năm trước, có một cô đồng khăng khăng, cây trôi chính là cổng trời, mọi người sinh ra và chết đi đều phải đi qua nơi ấy để lên thiên đình hay xuống địa ngục. Ông Tạ Huy Ban, Hiệu trưởng trường THCS Nguyệt Đức (nơi cây trôi đang nằm trong khuôn viên trường) cho biết: “Khi đó, để ngăn những người hành hương đốt hương khói, vàng mã, ảnh hưởng đến cây, tôi đã cùng người làng ra sức ngăn cản, mời cả công an và lãnh đạo địa phương tới can thiệp. Tuy nhiên, về sau thỉnh thoảng vẫn có người tới thắp hương khấn vái. Không còn cách nào, tôi đành đặt một ban thờ nhỏ dưới gốc cây, để tránh việc vàng mã làm cháy cây. Cũng từ đó, cây trôi được gọi là cây trôi trời”.


Ông Tạ Huy Ban chia sẻ: “Không biết có phải cổng trời thật không nhưng có một chuyện rất lạ là lá cây chưa bao giờ úa vàng, ngay cả những chiếc lá rụng rồi cũng vẫn xanh. Trong cuốn “Thần tích” của thôn Kim Tháp có ghi: “Nơi ấy là chỗ thờ thần, không cho trồng hoa màu, chăn hay giết các loài súc vật, làm nhà, chặt cây, và các việc khác”. Theo lệ làng thời bấy giờ, người nào phạm vào những điều trên, xúc phạm tới đất thiêng phải bị làng phạt vạ”. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cây trôi còn là nơi đội du kích thôn Kim Tháp và xã Nguyệt Đức thường xuyên hội họp, bàn bạc kế hoạch để chỉ đạo nhân dân chiến đấu bảo vệ quê hương.

Được vinh danh, càng cần bảo vệ

Cụ Nguyễn Văn Vịnh, năm nay 74 tuổi, từng làm công tác trông nom bảo vệ Hợp tác xã nông nghiệp Nguyệt Đức cho biết: “Từ thời ông bà tôi, thân cây đã lớn như bây giờ và từ đó cây không lớn thêm. Nhưng có một thời gian, nhiều cành bị sâu, mục rồi tự gãy. Thế nên tán cây giờ chỉ còn bằng 2/3 so với trước”.


Trước kia, khu vực cây trôi có khu mộ Hán rất lớn. Do đó, người ta cho rằng, cây trôi có thể được trồng từ thời đó với tuổi đời gần 2.000 năm. Có người còn cho rằng: Rất có thể địa điểm trồng cây trôi này chính là nơi người Hán chôn của và cây trôi là vật đánh dấu (!?).


Theo ước đoán của VACNE, cây trôi này khoảng 800 năm tuổi. Ngày 24/10/2011, cây trôi thôn Kim Tháp được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Để có được sự công nhận này phải kể đến vai trò của Ban giám hiệu và tập thể thầy cô giáo trường THCS Nguyệt Đức. Chính thầy Tạ Huy Ban, Hiệu trưởng nhà trường đã làm hồ sơ đăng ký danh hiệu Cây di sản cho cây trôi. “Nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh tuyên truyền hơn nữa cho học sinh, người dân nâng cao ý thức bảo vệ cây”, thầy Ban nói.


Ông Nguyễn Văn San, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức cho biết: “Năm 2003, sau khi trường THCS Nguyệt Đức chuyển sang địa điểm trồng cây trôi, xã đã xây bệ xi măng quanh gốc cây để bảo vệ bộ rễ cho cây. Được biết, từ sau khi cây trôi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, người dân địa phương càng thêm say sưa kể về những sự tích xa xưa của cây, gieo vào thế hệ trẻ niềm tự hào cũng như ý thức cần bảo vệ vốn quý của làng.


Bài và ảnh: Thu Hồng

Kì 3: Báu vật nơi Kinh đô Văn Lang xưa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN