Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Mỗi hiện vật kể một câu chuyện lịch sử

Mỗi hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là một câu chuyện riêng của báo chí mà đều gắn liền với những đời sống, các sự kiện lịch sử. Nhờ các phương án trưng bày khoa học và sống động, những hiện vật ấy sẽ tự kể câu chuyện về mình. 

Chú thích ảnh
Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đã sưu tầm được khoảng 20.000 hiện vật, tư liệu

Đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam những ngày cận kề ngày khai trương, công việc trưng bày đã gần như hoàn thiện. Trong không gian chỉ khoảng 1.500 mét vuông ở cả tầng 1 và tầng 2 trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, cách bố trí sáng tạo, theo từng nội dung qua các giai đoạn lịch sử đã dẫn dắt người xem đi đến từng chặng đường phát triển của báo chí Việt Nam, sống động qua những câu chuyện.

Từ khi bước chân vào bảo tàng, người xem cứ bị cuốn đi theo vòng thời gian để như được tận mắt nhìn thấy những dư âm còn lại của lịch sử. Mỗi hiện vật, mỗi bài báo, phương tiện tác nghiệp… trưng bày ở đây như làm sống lại từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Mỗi vật dụng dù nhỏ bé như cây bút, trang giấy cũng đề có thể kể lại những câu chuyện về người làm báo, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của lao động và sáng tạo, thậm chí là sự sống và cái chết của một con người trong những cống hiến trọn đời của họ.

Để có được nơi hội tụ những giá trị của nền báo chí nước nhà qua những chặng đường, Hội Nhà báo Việt Nam đã dày công sưu tầm, xây dựng các tài liệu lịch sử với tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Báo chí Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan từ 19/6/2020.

Tại buổi gặp mặt chuẩn bị khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày 15/6, nói về quá trình hình thành bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Để hình thành được bảo tàng như ngày hôm nay là nỗ lực rất lớn của Hội nhà báo Việt Nam. Đó là nhờ sự ủng hộ, quyết tâm của Hội Nhà báo, sự đồng thuận của các nhà báo lão thành, gia đình các nhà báo… đã cung cấp hiện vật, tư liệu, thông tin… để bảo tàng dần dần có thêm được rất nhiều tư liệu. Hiện bảo tàng có khoảng 20.000 hiện vật, tư liệu giúp chúng tôi có thể chủ động trong việc khai thác, chủ động đưa vào trưng bày giới thiệu. Cụ thể hiện có 700 tư liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng là những hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam”.

Nội dung trưng bày tại Bảo tàng gồm 5 phần, về Báo chí Việt Nam trong các giai đoạn: Giai đoạn từ 1865- 1925; giai đoạn từ 1925- 1945; giai đoạn từ 1945- 1954; giai đoạn từ 1954- 1975 và giai đoạn từ 1975 đến nay.

Các không gian trưng bày được bố trí khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau như: Trưng bày bằng giải pháp đồ hoạ trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh- truyền hình- số hoá ... để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với Bảo tàng.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tâm được  khoảng 20.000 hiện vật phục vụ khách tham quan.

“Với quyết tâm trưng bày chủ yếu hiện vật gốc, chúng tôi đã có khoảng 90% là bản gốc. Tuy nhiên, các hiện vật phục chế chủ yếu là ở giai đoạn 1925-1945, vì giai đoạn này việc lưu giữ lại  một tờ báo cách mạng là rất khó khăn. Bên cạnh đó, Bảo tàng Báo chí ra đời muộn, nên nhiều tư liệu gốc đã được các bảo tàng lớn sưu tầm được, vì vậy chúng tôi chỉ có cách xin bản gốc về để phục chế lại”, nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ.

Không thể nghèo nàn về công nghệ

Trước xu hướng cách làm bảo tàng hiện đại với công nghệ thông minh, Bảo tàng Báo chí cũng nỗ lực đổi mới cách trưng bày, tạo sự hấp dẫn và quan tâm của cộng đồng.

“Kinh phí đầu tư cho Bảo tàng Báo chí khá khiêm tốn, chỉ 24 tỷ đồng cho phần trưng bày. Do đó, để làm được tất cả những thứ mong muốn là rất khó, tuy nhiên chúng tôi cũng cố gắng đưa công nghệ thông minh vào hoạt động, ưu tiên các hạng mục như: Đồ hoạ, làm phim, số hoá các thông tin, tư liệu, hiện vật không trưng bày được trên giá, kệ… Tuy làm kiểu “con nhà nghèo” nhưng không thể để nghèo nàn về công nghệ”, nhà báo Trầm Kim Hoa cho hay.

Chú thích ảnh
Khách tham quan sẽ được trải nghiệm công nghệ tiên tiến tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Theo đó, ngoài trưng bày trên vách bằng đồ hoạ các tư liệu; Bảo tàng còn trưng bày trên tủ như bình thường với hệ thống màn hình chiếu phim. Bảo tàng đã xây dựng 26 bộ phim về tiến trình lịch sử báo chí, các nhà báo cách mạng… Đặc biệt hệ thống màn hình tra cứu số hoá trải dài tại không gian trưng bày; có phòng tra cứu cho người muốn tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc…

Với những nỗ lực đó, những người làm Bảo tàng mong muốn không chỉ các nhà báo, mà kể cả những người không làm báo cũng quan tâm và đến với bảo tàng. Thực tế, những người quan tâm đến lịch sử, con người Việt Nam sẽ quan tâm đến lịch sử báo chí; bởi những câu chuyện của báo chí là gắn liền với câu chuyện lịch sử qua các thời kỳ. Bởi vậy khi trưng bày, các hiện vật phải gắn liền với các câu chuyện mới có giá trị, sức hấp dẫn. Hy vọng những thông điệp tư liệu từ bảo tàng có thể tự nó nói lên được câu chuyện, không cần nhiều đến thuyết minh viên.

Dự kiến sau lễ khai trương, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020.

 

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV sẽ diễn ra vào tối 21/6/2020
Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV sẽ diễn ra vào tối 21/6/2020

Chiều 15/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIV, năm 2019; ký kết bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa Bảo tàng Báo chí Việt Nam với hai cơ sở đào tạo báo chí lớn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN