Ngày 24/8, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh. Hồi 13 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 420 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103 - 117km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 170 km tính từ tâm bão.
Theo ông Hưởng kịch bản có khả năng cao nhất hiện nay (xác suất khoảng 80%) là bão sẽ di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó di chuyển theo Tây Tây Bắc đi vào khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông. Sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.
Cụ thể, với kịch bản này, trong 24 giờ tới (tính từ 10 giờ sáng 24/8), bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km. Đến 10 giờ ngày 25/8, tâm bão trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 270 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (103 - 133 km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông và phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11 - 12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 6 - 8 m, biển động dữ dội.
Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ ngày 25/8 gió mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6 - 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 - 3 m. Biển động mạnh.
Trên đất liền, từ chiều ngày 25/8 đến đêm 26/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm. Thanh Hóa 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm.
Ngoài kịch bản trên, một kịch bản khác có thể xảy ra với bão số 3 (xác suất khoảng 10 - 20%) là bão sẽ đổ bộ phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Với kịch bản này, Vịnh Bắc Bộ và đất liền các tỉnh miền Bắc nước ta sẽ chịu tác động mạnh hơn của bão số 3 với mưa lớn, gió giật mạnh.
Bão số 3 hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi đảo Luzon (Philippines), mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Ma-on, đi vào Biển Đông trong đêm 23/8, là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển rất nhanh, vùng mây rộng. Dự báo sau bão Ma-on, từ nay đến tháng 2/2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 7 - 9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-5 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đỉnh điểm của mưa bão tập trung trong tháng 10 và 11.