Cư dân sống trên các tầng cao lấy bàn ghế, sofa… để chèn chặt tránh va đập. Vùng ngoại thành mất điện diện rộng như: Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Sóc Sơn…; nhiều nhà không kiên cố bị sập, cây đổ ngổn ngang.
Chị N.T.Q, sống tại căn hộ tầng 18 tòa chung cư cao cấp ngay mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) cho biết, mặc dù gia đình chị đã chủ động phòng ngừa ảnh hưởng do bão số 3, nhưng do mưa lớn kèm theo gió bão mạnh gây tình trạng nước tràn vào nhà từ ban công.
"Cả 2 vợ chồng tôi và 2 con phải mang các loại khăn, quần áo cũ ra nhét vào khe cửa để ngăn nước tràn vào nhà. Nhà tôi toàn cửa kính, lại ở tầng cao, may kính không có vấn đề gì. Nhìn ra ngoài mà sợ, gió rít, mưa xối xả thế mà gió cũng cuốn mưa theo hướng của nó. Cửa đóng kín mà rung lên bần bật, thỉnh thoảng tiếng đổ vỡ làm người trong nhà giật mình, khủng khiếp thật", chị N.T.Q nói.
Tại tòa chung cư khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), chị B.M.P cùng gia đình vô cùng căng thẳng khi bão số 3 đổ vào Hà Nội. "Từ hồi về chung cư đến nay chục năm rồi chưa bao giờ có bão mà thấy khủng khiếp như tối nay. Tấm bạt che nắng lan can bếp đã bị giật tung. Gió giật mạnh cảm thấy như vỡ kính đến nơi, khiếp quá! May vẫn có điện chứ không dễ hoảng loạn lắm! Sợ quá, bão Yagi", chị B.M.P không giấu nổi cảm xúc bày tỏ lo lắng.
Cùng chung tâm trạng lo sợ khi bão số 3 tràn về, chị D.T.H.D, một người dân sống tại phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Nằm trong nhà từ tầng 3 nghe gió quất mưa ràn rạt, cửa nhà ai đó rung, lắc, có tiếng rơi vỡ… Chung cư cao cấp thấm dột! Đêm nay, nhiều người thức trắng".
Bão đã gây thiệt hại về người. Khoảng hơn 17 giờ ngày 7/9, anh C.M.C, sinh ngày 14/8/2002, hộ khẩu thường trú tại thôn Trung, thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên điều khiển xe máy đi từ ngõ 110 Trần Duy Hưng về phố Hồ Tùng Mậu, khi đi qua số nhà 126 Trần Duy Hưng bị cây đổ đã tử vong.
Trong tối 7/9, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (địa phận xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), cả khung cổng chào đổ chắn ngang đường. Tuyến giao thông bị ách tắc, không thể di chuyển, phải cần cần cẩu cỡ lớn mới xử lý được.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội), tính đến 18h30 ngày 7/9, trên địa bàn Hà Nội có hơn 700 cây đổ, gãy do ảnh hưởng do bão số 3, trong đó có 387 cây đổ, 319 cây gãy. Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã và đang tập trung xử lý, giải tỏa các trường hợp đã phát hiện; đồng thời vẫn tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp cây đổ, cành gãy phát sinh khác.
Ngay trong mưa bão lớn đã xuất hiện tình người trong hoạn nạn. Đặc biệt là hình ảnh thật cảm động, ấm lòng khi hình ảnh những chiếc ô tô nối đuôi nhau thành hàng để che gió cho những người đi xe máy trên cầu Nhật Tân - Hà Nội. Hay những hình ảnh người dân dìu nhau trên đường khi mưa gió mạnh ập đến bất ngờ. Và giữa lúc mưa bão, lực lượng chức năng vẫn ra đường làm nhiệm vụ...
Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an Hà Nội cho biết, tính từ 6/9 đến 16h ngày 7/9, đơn vị đã nhận được 70 tin báo cứu nạn, cứu hộ do cây đổ và điều động 1.500 cán bộ, chiến sĩ triển khai công tác ứng cứu.
Theo đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng trong suốt thời gian bão đổ bộ trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, đơn vị tổ chức rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ mất an toàn, đảm bảo cho người dân trong quá trình tham gia giao thông.
Dự báo mưa bão còn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn. Người dân tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, cần đặc biệt chú ý khi phải đi qua các khu vực có công trường đang thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn.
Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, người dân gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114 hoặc sử dụng ứng dụng "Báo cháy 114" trên thiết bị di động thông minh để được kịp thời hỗ trợ.