Báo động tình trạng bảo mẫu bạo hành trẻ em

Đoạn clip hành hạ trẻ nhỏ tại nhóm lớp mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), vừa được tung lên mạng mới đây, chính là “giọt nước tràn ly”, báo động về nạn bạo hành trẻ em nói chung và trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng. Bởi trong tháng 11/2013, ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cũng đã xảy ra vụ việc bảo mẫu vô lương tâm Hồ Ngọc Nhờ đánh chết bé trai mới 18 tháng tuổi.

 

Cần nghiêm trị để làm gương


Hai ngày nay, dư luận xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ với những hành động của Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý, hai bảo mẫu có “trình độ”, nhưng lại có hành vi bạo hành trẻ rất dã man: Tát liên tiếp hàng chục cái vào mặt trẻ, ép đầu xuống đất, bịt mũi khi cho uống sữa, dốc ngược dọa bỏ vào thùng nước... Hiện nay, Công an quận Thủ Đức đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với hai bảo mẫu này để điều tra hành vi “Hành hạ người khác”.

Nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng khi gửi con tại các cơ sở giữ trẻ tư nhân.


Theo báo cáo của UBND phường Hiệp Bình Phước, điểm giữ trẻ Phương Anh do Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ quận 8) làm chủ. Lê Thị Đông Phương từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục mầm non, đã học lớp quản lý chủ trường và đã có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ ở trường mầm non Hoa Lư... Do đó, dư luận rất bất bình trước việc biết rõ quy định mà vẫn vi phạm của chủ nhóm lớp mầm non tư thục Phương Anh; đồng thời thêm nghi ngại về hiệu quả công tác quản lý ở địa phương, cơ sở. Bởi lẽ, giống như nhiều vụ việc nghiêm trọng khác, chỉ khi xảy ra hậu quả đáng tiếc, báo chí lên tiếng thì các cơ quan quản lý mới hay biết, mới tăng cường kiểm tra...


Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh: “Tôi và đồng nghiệp của mình không thể chấp nhận được những hành vi bạo hành tại nhóm trẻ mầm non tư thục Phương Anh. Đặc biệt, là đạo đức nghề nghiệp của chủ nhóm lớp Lê Thị Đông Phương vì cô này không chỉ có đầy đủ bằng cấp chuyên môn mà còn từng là giáo viên của một trường mầm non”.


Là một người mẹ có con nhỏ 24 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân Công ty Nissen Electric Việt Nam, chia sẻ: “Sau khi chứng kiến hình ảnh việc các bảo mẫu đánh đập các em nhỏ, hai vợ chồng rất lo lắng. Nhưng lo vậy thôi, chứ điều kiện không cho phép nên tôi vẫn phải gửi con ở trường ngoài công lập. Do đó, người dân chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp quản lý trường mầm non tư thục hiệu quả hơn; đặc biệt cần phải nghiêm trị những bảo mẫu hành hạ trẻ, để làm gương cho người khác”.


Ra quân “dẹp” các cơ sở hoạt động chui


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 18/12, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho biết: “Tôi cũng như đồng nghiệp ở Bộ GD&ĐT hết sức bàng hoàng trước sự việc nêu trên. Một giáo viên từng có kinh nghiệm mầm non, có bằng sư phạm chuyên ngành lại hành xử như vậy, thật đau lòng”.


Để nâng cao hiệu quả quản lý các nhóm lớp, trường mầm non tư thục, trong tháng 3/2014, Bộ GD& ĐT sẽ tổ chức 2 hội thảo ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các địa phương, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục... Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, điều chỉnh một số quy định để phù hợp với tình hình hiện nay.

“Theo báo cáo của Sở GD& ĐT TP Hồ Chí Minh, trong tuần này toàn TP sẽ ra quân thanh, kiểm tra hàng loạt các cơ sở nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Đợt ra quân này hứa hẹn sẽ giải quyết dứt điểm hoạt động của các nhóm lớp mầm non ngoài công lập chưa được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương, nhân dân thì mới giải quyết triệt để được những cơ sở mầm non hoạt động chui, không phép, chất lượng thấp”, ông Nguyễn Bá Minh khẳng định.


Hoàng Tuyết - Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN