Báo động “lỗ hổng” quản lý, kiểm định tàu du lịch

Vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) đêm 4/6 một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý trong việc cấp phép, kiểm định và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đối với tàu du lịch nói riêng, vận tải thủy nội địa nói chung.

Mất an toàn nghiêm trọng

Ngay sau khi tàu du lịch Thảo Vân 2 số hiệu ĐNA - 0016 bị lật trên sông Hàn (Đà Nẵng), các cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải hành khách và chở quá số người quy định. Tàu chỉ được phép chở 28 người, nhưng chủ tàu đã cố tình chở quá tải tới 56 người. Bên cạnh đó, tàu Thảo Vân 2 qua xác minh chưa được cấp phép vận tải hành khách, khi xuất bến không trình báo với cảng vụ, chở khách chui. Lái tàu bỏ trốn và bị bắt sau đó đã khai báo chủ tàu không có mặt trên tàu, thuê lái tàu khác để chở khách du lịch. Chưa hết, những hành khách gặp nạn đều không được trang bị áo phao, trong khi đây là quy định bắt buộc…

Đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân.

Ngay sau vụ tai nạn trên, các ngành chức năng TP Đà Nẵng đã quyết định tạm ngừng hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm tra chặt chẽ quy trình xuất bến trước khi cho phép hoạt động trở lại… Tuy nhiên, vụ việc này cũng đã cho thấy nhiều “lỗ hổng” trong công tác quản lý tàu thuyền nói chung, tàu du lịch nói riêng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ATGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ) hiện nay đang bị xem nhẹ. Đáng lo ngại nhất là tình trạng phần lớn các tàu vận tải khách trên các tuyến sông trong cả nước đều không trang bị đủ số lượng áo phao theo quy định. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo tàu thuyền hạn chế, công tác quản lý tàu thuyền bị buông lỏng, công tác sát hạch thuyền viên bị bỏ ngỏ… đang diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến đường thủy nội địa địa phương rất đáng báo động. Chủ tàu hoặc lái tàu “thờ ơ” hoặc “phớt lờ” các quy định trên vì các lực lượng chức năng thường buông lỏng quản lý và chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.

Các tàu thuyền thay phiên nhau tìm kiếm người bị nạn mất tích trên sông Hàn.

Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Văn Thọ thừa nhận: Tình trạng hoạt động “chui” của không ít tàu thuyền hiện nay rất khó kiểm soát, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng địa phương. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy là do nhiều lái tàu không chấp hành quy định, phương tiện hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn cho lưu hành, phương tiện ra vào bến không theo các thủ tục của cảng vụ, chạy không phép, chở quá tải…

Đồng quan điểm, theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng việc kiểm tra xử lý phương tiện vi phạm do lực lượng tuần tra, kiểm soát thực hiện tại bến, cảng, do cảng vụ và thanh tra các cấp thực hiện, trên hành trình do lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy thực hiện. Nếu việc kiểm soát này tốt thì chắc chắn phương tiện thực hiện pháp luật về đăng kiểm sẽ tốt hơn rất nhiều.

Số người chết do TNGT đường thủy có chiều hướng gia tăng trong hai năm gần đây: năm 2014 tăng 14 người (31,1%), năm 2015 tăng 12 người (20,3%). Đặc biệt thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt, tàu chở khách du lịch, gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện thủy vi phạm các quy định về an toàn đường thủy nội địa, công tác quản lý không đảm bảo, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết. Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái



Rà soát phương tiện

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết: Thời gian qua các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật liên quan đến đảm bảo ATGT đường thủy đã cơ bản hoàn thiện, nhưng chất lượng chưa phù hợp và chưa đảm bảo yêu cầu thực tiễn. Do đó, thời gian tới, Cục sẽ đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ các bến bãi không phép đang hoạt động; xử lý nghiêm, triệt để các bến bãi không phép, trái phép nhất là các bến bãi ven sông.

Còn theo ông Trần Văn Thọ, để “bịt” được “lỗ hổng” trong việc quản lý chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, hậu kiểm cảng bến, kiểm định tàu thuyền… thì những trường hợp không tuân thủ quy định, gây tai nạn hoặc không tuân thủ quá trình kiểm tra phải bị thu hồi chứng chỉ. Nguyên tắc là khi phương tiện xuất bến từ một cảng nào sẽ phải làm thủ tục ở cảng đó để cảng vụ kiểm tra đăng ký đăng kiểm, chứng chỉ thuyền viên. Thực tế, khâu này cần phải siết chặt tăng cường hơn nữa. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các lực lượng chức năng địa phương trong việc kiểm soát, phát hiện, đình chỉ các cảng bến thủy nội địa trái phép có vai trò quan trọng, bởi đa số tàu thuyền chở quá tải, không đảm bảo an toàn đều xuất từ các điểm này.

Trao đổi vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình, chiều ngày 5/6, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công điện yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam rà soát lại hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm định tàu thuyền, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác ATGT tại các địa phương có tình hình giao thông đường thủy phức tạp và báo cáo Chính phủ.

Đặc biệt, Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Sở GTVT địa phương chú trọng kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa đối với tàu vận tải khách du lịch, bằng lái chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị cứu hộ, sử dụng áo phao theo đúng quy định... nếu phát hiện sai phạm phải kiên quyết xử phạt nghiêm.

Ngành du lịch nhanh chóng vào cuộc

Trao đổi qua điện thoại với PV báo Tin Tức, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch, do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn đầu, đang vào kiểm tra tình hình thực tế và cùng với các đơn vị hữu quan nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ lật tàu trên sông Hàn tối ngày 4/6. Đoàn công tác đã đến bệnh viện, thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình và các nạn nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản Nhi.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Tổng cục Du lịch thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ quan chức năng, tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn giao thông du lịch đường thủy nội địa. Vụ tai nạn chìm tàu trên sông Hàn vừa qua là sự việc rất đau xót và là một bài học xương máu trong công tác quản lý các phương tiện vận chuyển, cũng như các hoạt động dịch vụ phục vụ khách.

“Sau khi có thông tin về tai nạn trên sông Hàn, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các cơ quan chức năng đã hành động rất kịp thời để hạn chế ở mức thấp nhất những thiệt hại về người. Về phía Tổng cục Du lịch, sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý du lịch địa phương đặc biệt rút kinh nghiệm từ những bài học đã xảy ra ở Hạ Long, Đà Nẵng”, ông Nguyễn Quý Phương khẳng định. Hiện nay, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo tạm ngừng hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm tra chặt chẽ quy trình xuất bến trước khi cho phép hoạt động trở lại. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ việc và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định của pháp luật.

XC


Đăng Sơn
Toàn cảnh vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn
Toàn cảnh vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn

Lực lượng tìm kiếm đã cứu được 53 người và tìm thấy thi thể 3 người thiệt mạng trong vụ tai nạn chìm tàu vào đêm 4/6 trên sông Hàn, thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN