Vượt khó, thống nhất trong tư tưởng hành động
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, những năm qua, thành phố có sự phát triển rất đáng tự hào. Năm 2023, số thu ngân sách của thành phố là 410.000 tỉ đồng, chiếm 23% số thu cả nước. Hà Nội đang đi đầu trong xây dựng nông thôn mới; du lịch tiếp tục là điểm sáng. Thủ đô tiếp tục là điểm đến yên bình. Thành phố tích cực triển khai công tác an sinh xã hội…
"Những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực, đoàn kết của nhân dân Thủ đô, sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương còn có sự đóng góp, đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí", ông Đinh Tiến Dũng khẳng định. Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành hỗ trợ Thủ đô phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là năm 2024 phải tốt hơn năm 2023.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2023, thành phố đã vượt qua nhiều thử thách, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
“Để có những thành quả chung đó, sự đóng góp của báo chí là hết sức to lớn và có ý nghĩa. Báo chí Thành phố và Trung ương đóng tại TP Hồ Chí Minh thực sự đã làm đúng, làm tốt sứ mệnh truyền thông, đồng hành và chuyển tải được tinh thần khát khao vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; ngày càng định hình không gian thông tin chủ đạo, phong phú, toàn diện, có đóng góp thực sự hiệu quả trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố. Báo chí cũng đã thể hiện rõ tính phản biện, dũng cảm, sáng tạo, xông vào những nơi khó khăn, phản ánh những vấn đề gai góc của cuộc sống, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phản ánh và kiến nghị những vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồ Hải cho biết.
“Hiện nay, đội ngũ những người làm báo Cách mạng ngày càng vững vàng về chính trị và đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không chỉ viết về Thành phố bằng tấm lòng và sự nhiệt huyết, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chuyển tải đến công chúng những thông tin trung thực, kịp thời và mang tính nhân văn; góp phần đẩy lùi tin giả, tin xấu, độc; phê phán những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Hồ Hải cho biết thêm.
Còn Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 đánh giá cao những đóng góp của ngành tuyên giáo, các cơ quan báo chí, truyền thông trong năm qua. Điểm nổi bật nhất là lòng tin của xã hội được củng cố và tăng cường, dân tin Đảng, đồng thuận với chính quyền, thương yêu giúp đỡ đùm bọc lực lượng vũ trang.
Theo đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.
Thông tin về hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; thông tin về các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền.
Tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao.
Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển chính trị, kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hướng tới Đại hội XIV của Đảng và là kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024; khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết sách... của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; bám sát hơi thở cuộc sống, từ thực tiễn cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân ái trong xã hội.
Báo chí trong xu thế đổi mới
Bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cũng đã, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của chiến lược là “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Theo chiến lược này, báo chí chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu, nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí: Từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí.
Nhiều đơn vị báo chí cũng đã tích cực thay đổi, kịp thời bắt nhịp với xu thế chung của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với báo chí địa phương, ông Hồ Văn Chừng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai cho biết: Công tác chuyển đổi số được lãnh đạo tỉnh quan tâm và có những đầu tư cho các cơ quan truyền hình, báo Đồng Nai. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số báo chí, các cơ quan báo chí của tỉnh cũng còn gặp một số thách thức lớn.
Đầu tiên là thách thức về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động báo chí. Hiện nay, đa số hệ thống thông tin của cơ quan báo chí chưa có cấp độ an toàn thông tin được xác định, tình trạng này khiến các cơ quan báo chí trở nên phụ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ. Ngoài ra, cơ quan báo chí đang hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thông tin trên mạng xã hội, thậm chí một số cơ quan báo chí còn bị dẫn dắt bởi tin tức thiếu kiểm chứng, thông tin giả mạo... Chưa kể, mạng xã hội phát triển cũng làm cho hệ thống báo in giảm sút", ông Hồ Văn Chừng cho biết thêm.
Vì vậy, theo ông Hồ Văn Chừng, để có thể chuyển đổi số hiệu quả, các cơ quan báo chí cần quan tâm đến việc nâng cao nghiệp vụ cho các lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên... tích cực tập huấn, đào tạo công nghệ mới cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông và lãnh đạo các cơ quan báo chí về các kỹ năng cơ bản, cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí; phát triển các khóa đào tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu, nhằm hỗ trợ quá trình đổi mới sản xuất, phân phối nội dung cũng như giám sát và đánh giá chất lượng thông tin trên các trang báo... Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm từ cơ quan báo chí trung ương như TTXVN nhằm nắm bắt, cập nhật được những xu hướng và thành tựu mới trong chuyển đổi số báo chí hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, một vấn đề thách thức trong chuyển đổi số ở các tòa soạn hiện nay là phải tìm mô hình kinh doanh, mô hình thu nhập mới phù hợp với phương thức sản xuất và phát hành nội dung trên không gian số. Khi chuyển từ báo in sang báo điện tử, người đọc mất thói quen là trả tiền để mua báo. Mọi người khi đọc tin trên mạng sẽ phải xem quảng cáo khiến người xem có trải nghiệm khó chịu và quảng cáo cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khác. Vì thế, trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí-xuất bản phải tìm kiếm một mô hình kinh doanh mà những tệp người dùng khác nhau sẵn sàng chấp nhận trả phí xem một phần hoặc toàn phần nội dung báo chí.
-Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã và đang giúp những người làm báo phát triển nghề năng động hơn. Dự báo, trong vòng 5 - 7 năm nữa chúng ta sẽ thấy được sự lột xác toàn diện của báo chí Cách mạng Việt Nam. Để việc ứng dụng công nghệ số phát huy được hiệu quả, các cơ quan báo chí, xuất bản cần chủ động hơn nữa trong xây dựng chiến lược truyền thông “đi trước đón đầu”, tăng cường quảng bá tầm nhìn và chiến lược phát triểt, lan toả năng lượng tích cực trong mọi đối tượng, thành phần xã hội, nhất là doanh nghiệp, tầng lớp trí thức, thế hệ trẻ, khơi dậy khát vọng vươn lên. Giữ vững vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí, vừa thích ứng với thời đại kỹ thuật số, vừa lấy chuẩn mực đạo đức và văn hóa làm gốc, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, xây dựng chuẩn mực, phong cách ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động báo chí và trên mạng xã hội.
- Ông Vũ Mai Hoàng, Trưởng Ban Nhân Dân cuối tuần: Dù là ấn phẩm có tính “khoảng lặng” để người đọc suy ngẫm, nhưng báo Nhân dân cuối tuần cũng không nằm ngoài quá trình chuyển đổi số. Quá trình này được Nhân Dân cuối tuần thúc đẩy mạnh mẽ trong hơn hai năm qua, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của cả bộ máy thông qua đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, xây dựng các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Nội dung các chuyên đề trên báo in được biên tập, tăng thêm hàm lượng thông tin, chuyển đổi thành dữ liệu trực tuyến chuyên sâu dưới dạng E-magazine, megastory, longform, infogarphic... Đây là một cách thu hút độc giả ở lại trang báo trực tuyến lâu hơn, đồng thời gợi cảm hứng cho họ tìm đọc bản báo in với những trải nghiệm và cảm nhận thông tin hoàn toàn khác.