Bánh Trung thu “đắt” có “xắt ra miếng”?

Dù kinh tế còn “buồn” nhưng hàng nghìn hộp bánh với giá đắt đỏ vẫn đang được sản xuất và tiêu thụ tại các quầy hàng bánh Trung thu ở các khách sạn 5 sao.

 

Quầy bán bánh Trung thu của khách sạn Hà Nội đã bày bán những hộp bánh trung thu nhiều hình dạng và với những cái tên khá mĩ miều như “Vương Kim Tri Ngộ” với giá lên tới 12 triệu đồng. Nhân viên bán hàng chia sẻ: “Bánh đắt là do nguyên liệu 100% nhập khẩu, do đầu bếp người nước ngoài đích thân chế biến”. Chất lượng bánh Trung thu trong các hộp không khác nhau nhiều, “đẳng cấp” ở đây là những chai rượu ngoại kèm theo hộp bánh.

 

Khách hàng không mặn mà với bánh Trung thu cao cấp.
Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Đắt đỏ nhất năm nay có lẽ phải kể đến dòng bánh “siêu cấp” và “siêu đắt” của khách sạn Daewoo. Hộp bánh giá gần nghìn USD do một đầu bếp người Hồng Kông chế biến với công thức riêng cộng thêm rượu và hộp trà đi kèm. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng cho biết, tới thời điểm này khách hàng vẫn chủ yếu đến chiêm ngưỡng hộp bánh “siêu cấp” chứ chưa đặt mua. Jamie Hie, một nữ khách hàng người Singapore cho rằng: “Theo giải thích của nhân viên tư vấn, chất lượng bánh giữa các hộp không khác nhau. Chỉ khác nhau về độ đắt tiền của rượu đi kèm. Vậy tại sao chúng tôi không mua một hộp bánh dạng trung và mua rượu ở bên ngoài cho tiết kiệm, đỡ mất phí và các khoản chiết khấu?”.


Thực tế cho thấy, hấu hết các loại bánh Trung thu truyền thống thường được thưởng thức cùng trà Việt, vì vậy món “ngoại nhập” bánh Trung thu uống cùng rượu vang chưa hẳn đã là một “thói quen” được người Việt lựa chọn.


Từ thực tế khảo sát ở nhiều khách sạn cao cấp, có thể thấy rằng, những hộp bánh Trung thu cao cấp và “siêu cấp” đắt tiền không hoàn toàn do chất lượng bánh mà còn do rất nhiều yếu tố “phụ kiện” kèm theo. Giá trị thật của bánh chỉ chiếm khoảng 30% giá tiền cả hộp. Còn lại, chấp nhận mua bánh cao cấp là chấp nhận trả 70% phí cho rượu, cho trà, những sản phẩm có thể dễ dàng mua ở bên ngoài. Đó là chưa kể người tiêu dùng còn phải trả những chi phí khác như chiết khấu (có nơi lên đến 30%), đặc biệt việc đầu tư vào hình thức hộp bánh với đủ chất liệu cao cấp từ gỗ sơn son thếp vàng, nhôm dập nổi sang trọng, hay loại giả da bắt mắt…


Chị Phạm Quỳnh Trâm, giáo viên âm nhạc tại trường Đại học Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: “Mỗi dịp Trung thu, tôi cũng được phụ huynh học sinh biếu những loại bánh cao cấp của các khách sạn lớn, nhưng thú thật là tôi vẫn thích những hương vị truyền thống của nhân bánh Việt Nam hơn, nó đậm đà và được làm từ những nguyên liệu thật tự nhiên, chứ không phải là bằng những hương liệu hóa học mà rất nhiều cơ sở bây giờ thường hay lạm dụng”.


Nhiều khách hàng cho rằng, họ tìm đến với bánh Trung thu cao cấp chỉ vì họ tin tưởng rằng ở các khách sạn lớn luôn đề cao vấn đề an toàn thực phẩm, tuy nhiên, không phải lúc nào điều đó cũng được bảo đảm một cách “hoàn hảo”. Mùa Trung thu năm 2013 Khách sạn Hà Nội đã từng bị dính vụ ồn ào khá lâu khi tặng kèm tương ớt không ghi rõ date trong hộp bánh và khiến người sử dụng bị đau bụng, ngộ độc; khách sạn InterContinental từng bị nhiều khách hàng lên án bán bánh Trung thu kém chất lượng với giá cắt cổ; khách sạn Hilton bị khách hàng phản ánh và gửi sản phẩm bánh Trung thu bị mốc trước thời hạn cho các cơ quan báo chí…


Vậy liệu có ai bảo đảm được rằng, những chiếc bánh Trung thu “tiền triệu” là hoàn toàn xứng đáng?

 

Thiên Kim - Huyền Vũ

Sự lên ngôi của bánh Trung thu truyền thống
Sự lên ngôi của bánh Trung thu truyền thống

Tết Trung thu - Tết của đoàn viên đã đến rất gần. Trẻ em háo hức chờ đến ngày hội để được rước đèn ông sao, được phá cỗ đêm trăng... Những người lớn cũng mong đến ngày Tết để cùng gia đình vui vầy bên mâm cỗ đêm rằm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN