Bán vé số nuôi 3 con học đại học, cao đẳng

Đến ấp Nhơn Lộc 2A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ hỏi nhà anh Phúc bán vé số thì không ai không biết, dù đường vào nhà anh quanh co hun hút cuối con hẻm nhỏ chỉ đủ một chiếc xe đi qua. Có người trước khi chỉ đường còn hỏi ngược lại chúng tôi như nhấn mạnh: “Có phải nhà chú Phúc bán vé số mà có ba đứa con học đại học, cao đằng không?”

Căn nhà gỗ ép nhỏ bé nằm lọt thỏm trong một khuôn đất cũng không lấy gì làm rộng rãi. Trong gian nhà khách, ngoài chiếc tủ thờ, chỉ còn bộ bàn ghế bạc phếch là có giá trị. Chị Trần Thị Tố Lan – vợ anh Phúc -  vừa ra chào vừa kéo tay áo quẹt vội những giọt mồ hôi trên trán, phân bua với chúng tôi: “Ông xã em đi bán vé số trên Cần Thơ chưa về, chỉ có mấy mẹ con ở nhà. Em tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, còn thằng út thì đang học bài”.

 Chị Lan phân bua như thế vì ái ngại chúng tôi đã hẹn trước nhưng anh Phúc vẫn không thể thu xếp ở nhà được. Chị bảo, bây giờ 5 miệng ăn của cả nhà đều trông vào xấp vé số của anh cả, nên nhiều khi bệnh anh cũng không dám nghỉ bán.

Người đàn ông trụ cột gia đình ấy tên đầy đủ là Phan Hùng Phúc (58 tuổi) - cha của 3 chàng sinh viên: Phan Hùng Minh (SN 1990, học khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Tây Đô), Phan Hùng Mẫn (SN 1992, học khoa Thủy Sản, trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ) và Phan Hùng Mạnh (SN 1994, học khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Cần Thơ).

Năm 2013, toàn huyện Phong Điền chỉ có hai bằng khen “Gia đình hiếu học” do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ trao tặng, gia đình anh Phúc vinh dự là một trong số đó.

Với gia đình anh Phúc, việc kiếm được đồng tiền vô cùng khó khăn. Trước đây chị Lan cùng phụ giúp anh Phúc bán vé số, nhưng gần chục năm nay bị thần kinh tọa nên hầu như mất sức lao động, chị chỉ quanh quẩn ở nhà làm những việc lặt vặt. Gia đình lại không có một mảnh đất canh tác nên tất cả chỉ biết trông chờ vào công việc bán vé số của anh Phúc.

Chị Lan cho biết, ngày nào bán được nhiều thì thu nhập khoảng 170.000 đồng. Số tiền ấy phải chi tiêu tằn tiện lắm cho ăn uống hàng ngày nhưng cũng luôn bị thiếu trước hụt sau. Do đó, dù bị bệnh chị cũng không dám đi bệnh viện, chỉ khi nào đau quá thì mua vài viên thuốc uống uống cho giảm đau.

Khi chúng tôi hỏi 3 cháu có phụ giúp gì cha mẹ trong việc kiếm thêm thu nhập không, ánh mắt chị Lan ngời lên niềm tự hào: Các cháu rất ý thức trong việc tự kiếm tiền và chi tiêu học hành. Ngày trước các cháu cũng phụ cha bán vé số, gần đây thì đi dạy kèm để có tiền đóng học phí và chi tiêu cá nhân.

Cha mẹ chỉ yêu cầu các cháu kiếm tiền đủ cá nhân xài chứ không cần phụ giúp cha mẹ, kẻo ảnh hưởng đến việc chính là học hành. Nhận thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các cháu chí thú học và làm thêm chứ không chơi bời đua đòi gì.

Hỏi chuyện thêm, chúng tôi được biết chị Lan vốn là giáo viên tiểu học. Nhưng do đồng lương eo hẹp và lý do sức khỏe nên chị đã nghỉ dạy. Dù vậy, với cái gốc là một nhà giáo, chị đã ý thức được tầm quan trọng của việc học, chị luôn dạy con “chỉ có học là con đường duy nhất thoát nghèo”.

Trong nhà chị không có ti vi, không có đài nhưng có máy vi tính. Đó là chiếc máy được mua từ chương trình “Vay vốn sinh viên” mà đến giờ anh chị vẫn phải trả góp hàng tháng. Chị bảo: Cái gì phục vụ cho việc học của các con, thì anh chị sẽ tìm mọi cách để mua cho con.

Anh Nguyễn Văn Dũng, trưởng ấp Nhơn Lộc 2A cho biết: Gia đình anh Phúc, chị Lan luôn được ấp nêu ra làm gương điển hình cho tinh thần vượt khó, hiếu học. Gia đình anh chị nhiều năm liền được khen tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, các cháu ngoan ngoãn, chăm học và rất hiếu thảo.

Tâm sự chuyện buồn vui trong công việc qua điện thoại, anh Phúc cho biết: Vui là khi bán được nhiều vé, khi khách trúng số và thưởng cho anh chút đỉnh. Buồn là khi vợ bệnh, con thiếu tiền đóng học, mà ngó trước ngó sau chỉ thấy nhà tuềnh toàng, trống hoác chẳng có vật gì đáng giá đem bán được.

Thế nhưng, nhắc đến những thành tích học tập của các con, anh lập tức hào hứng: "Tôi ngẫm kỹ rồi, cha mẹ đặt tui tên Phúc cũng có lý. Nghèo mà gia đình hạnh phúc, nghèo mà các con hiếu thảo, học hành thành người, đó là đời tôi có “phúc” lớn rồi, cô ạ".

 
Ánh Tuyết
Sáng ngời tấm gương anh dũng của các nữ lái xe Trường Sơn

Chiều 27/12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thân mật tiếp Đoàn nữ lái xe Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập (18/12/1968 - 18/12/2013).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN