Chiều 27/12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thân mật tiếp Đoàn nữ lái xe Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập (18/12/1968 - 18/12/2013).
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao đóng góp và những thành tích xuất sắc của các chiến sỹ nữ lái xe Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, không ngại hy sinh, gian khổ, đương đầu với khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong điều kiện núi cao, vực sâu, khí hậu khắc nghiệt, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Sự hy sinh thầm lặng của các chị đã góp phần to lớn cùng dân tộc làm nên chiến thắng vẻ vang. Hình ảnh của các chị là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các chiến sỹ thanh niên xung phong, trong đó có các chiến sỹ nữ lái xe Trường Sơn bằng các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong muốn, các chiến sỹ nữ lái xe Trường Sơn thấm nhuần và phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu gương sáng trong gia đình, xã hội.
Các chiến sỹ nữ lái xe Trường Sơn khẳng định, sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống của Anh Bộ đội cụ Hồ, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khất, trung hậu, đảm đang”; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy chính quyền, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Đầu tháng 12/1968, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, số lượng lớn chiến sĩ có kinh nghiệm được chuyển vào sâu các hướng chiến trường. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã ra quyết định thành lập đơn vị nữ lái xe Trường Sơn mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh nhằm hỗ trợ lực lượng cửa khẩu. Đơn vị nữ lái xe được biên chế gồm hơn 40 thành viên, đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi.
Sau khóa huấn luyện cấp tốc 45 ngày, các chị được giao nhiệm vụ chở vũ khí, lực lượng, lương thực từ Vinh (Nghệ An) vào các cửa khẩu Quảng Trị, Quảng Bình phục vụ chiến trường miền Nam và chở thương binh từ miền Nam ra miền Bắc điều trị. Trong số gần 40 nữ chiến sĩ còn sống, có 19 chị là thương binh, 13 chị có lương hưu, số còn lại gắn bó với ruộng vườn.
Khiếu Tư