Những ngày đầu tháng bảy, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, chúng tôi đến thăm khu di tích “Nơi công bố Ngày thương binh, liệt sĩ toàn quốc” tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Con đường làng quanh co dẫn chúng tôi đến ngôi đền cổ kính và cây đa cổ thụ tỏa bóng xanh mát. Người dân nơi đây vẫn gọi cây đa với cái tên “Cây đa 27 tháng 7”.
Theo sử sách ghi chép lại, sau khi sáng lập “Hội giúp binh sĩ bị nạn” do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự, Người đã phát động toàn dân tham gia hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sĩ”. Giữa bộn bề công việc lãnh đạo phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp lên Việt Bắc, tổ chức kháng chiến toàn dân, toàn diện suốt từ Bắc chí Nam… Bác Hồ cùng Trung ương vẫn có chủ trương, chính sách chăm lo đến thương binh, gia đình liệt sĩ. Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ, “ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ”. Ngày 10/7/1947, Cơ quan Thương binh và cựu binh (sau đổi là Bộ Thương binh) được thành lập. Tháng 6/1947, từ Phủ Chủ tịch đầu tiên ở “Thủ đô gió ngàn” tại đồi Khau Tý, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày thương binh”.
Khu lưu niệm, nơi công bố Ngày thương binh, liệt sĩ toàn quốc. |
Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp do Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức.
Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục Quân đội quốc gia Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày thương binh, liệt sĩ - Ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”.
Học sinh trường tiểu học Hùng Sơn bên bàn thờ Bác Hồ tại nhà lưu niệm 27/7 xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn. |
Ngày 27/7/ 1947, “Ngày Thương binh toàn quốc”, mở đầu bằng cuộc mít tinh quan trọng tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 2.000 người tham gia. Tại đây Ban tổ chức đã cử đại diện Chính trị Cục Quân đội quốc gia Việt Nam trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc.
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ...“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu…
Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương.
Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh.
… Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn.
Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà các em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.
Như vậy, Bác không chỉ khởi xướng, mà còn là vị chủ tịch - công dân đầu tiên cùng các thành viên chính phủ “ tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, yêu mến” thương binh.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng từng “vào sống ra chết” qua các nhà tù đế quốc ở Hồng Công của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều vượt qua với một phong thái lạc quan, ung dung tự tại. Người bao lần không cầm được nước mắt khi đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng - Trưởng Ban Quân sự của Trung ương, Chỉ huy Trưởng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, hy sinh ở Ngân Sơn (Bắc Kạn); đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng bị thực dân Pháp xử bắn năm 1944 ở trường bắn Tương Mai; rồi Hoàng Văn Lộc, người bảo vệ, giúp việc Bác từ Xiêm (Thái Lan), đầu năm 1941 theo Bác về Pác Bó (Cao Bằng), mất tại Khuôn Tát (Định Hóa) 1948… Người đã biến nỗi đau thương, mất mát khơi dậy thành phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc mau tới thắng lợi.
Bác còn gửi thư cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng tổ chức các “Đội Trần Quốc Toản” - “Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành, khi học rảnh rang, cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, các thương binh, lần lượt giúp các nhà ít người. Thí dụ: Quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ Quốc ngữ…”.
Tháng 7/1948, Bác gửi anh em thương binh và bệnh binh lời nhắn nhủ chí tình: “Các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ngoài mặt trận”…
Vào tháng 7/1953, Bác gửi thư cho cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh cựu binh:
“ Thưa cụ
Nhân dịp “Ngày thương binh” tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh lời chào thân ái của tôi”.
Người tích cực tham gia, khen thưởng, tổ chức nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lên tầm cao mới.
Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, ngày 27/7/1997, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời của Ngày Thương binh toàn quốc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu kỉ niệm 27/7 và dựng bia kỉ niệm với nội dung được khắc trên bia: “Nơi đây, ngày 27/7/ 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh, liệt sĩ ở nước ta". Cũng nơi này, vào dịp kỉ niệm 50 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (ngày 12/7/1997) đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Ngày nay, Khu di tích 27/7 tại xóm Bàn Cờ được coi là nơi quan trọng và thiêng liêng ghi dấu nơi đầu tiên của Ngày thương binh, liệt sỹ. Đồng thời, đây cũng là nơi giáo dục thế hệ trẻ và mỗi người dân Việt Nam có ý thức, quan tâm chăm sóc và giúp đỡ những người có công với cách mạng. Cây đa cổ thụ mang tên “Cây đa 27 tháng 7” tỏa bóng mát xuống mái đền cổ kính. Vẫn còn đây bia đá trước sân đền ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng. Hằng năm, tại khu lưu niệm này, người dân xã Hùng Sơn tổ chức nhiều hoạt động lễ hội của xã và của làng.
Tự hào trước truyền thống vẻ vang của quê hương và khắc ghi lời dạy của Bác, các em học sinh trường THCS, Tiểu học Hùng Sơn thường xuyên đến chăm sóc và làm đẹp cho khu di tích.
Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng