Bác sĩ 'bật mí' chuyện chống dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng

Trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), ngoài những y, bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thì những y, bác sĩ làm công tác dự phòng cũng vất vả không kém. Nguy cơ lây nhiễm bệnh của họ luôn cao vì phải ở tuyến đầu và có thể tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.

Không có nghỉ lễ, Tết khi có dịch

Cứ ngỡ mọi thứ đã êm xuôi, người “nhạc trưởng” của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh từng “chỉ huy” ngăn chặn rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài vào như dịch Sars, Mers, Ebola, Zika… cũng chuẩn bị lên đường đón cái Tết đầu tiên ở quê vợ và cho một chuyến “trăng mật” sau Tết. Thế nhưng, trong lúc còn đang chìm trong giấc ngủ của ngày nghỉ Tết đầu tiên, nhận được cuộc điện thoại khẩn, yêu cầu phải có mặt ngay lập tức ở sân bay Tân Sơn Nhất để đón đoàn kiểm tra giám sát dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh, bật dậy và... chạy. Ngay sau đó, mọi mọi kế hoạch nghỉ Tết của anh đã được huỷ bỏ.

Chú thích ảnh
"Nếu nói chống dịch như chống giặc thì chúng tôi chính là những chiến sĩ nơi tuyến đầu trong cuộc chiến này", bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm chia sẻ

Nhớ lại cuộc gọi khẩn cấp vào sáng sớm 29 Tết, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm kể: “Chưa đến 6 giờ sáng ngày 29 Tết, vẫn chưa tỉnh giấc, tôi nhận được điện thoại phải có mặt liền ở sân bay để đón đoàn kiểm tra về tình hình kiểm soát dịch bệnh ở đây. Qua thông báo về tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, y bác sĩ Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế được lệnh không được rời khỏi TP Hồ Chí Minh. Thế là toàn bộ kế hoạch nghỉ Tết của tất cả cán bộ, nhân viên trong Trung tâm đều bị hủy bỏ để tập trung cho chống dịch COVID-19. Nhiều người đành để vợ, chồng, con cái dắt díu về quê hoặc hủy chuyến du lịch cùng gia đình”.

Chú thích ảnh
Thời gian qua, nhân viên của Trung tâm đã “không biết Tết là gì” và làm việc hơn 100% công suất.

Những ngày này, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tại TP Hồ Chí Minh bố trí đầy đủ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên khử trùng, còn các nhân sự liên quan khác luôn thường trực tại sân bay Tân Sơn Nhất được chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng và trực chiến 24/24. Bác sĩ Tâm chia sẻ: “Từng trải qua nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài về như Sars, Mers, Ebola… nhưng ngặt nỗi bệnh này đến vào đúng thời điểm gần nghỉ Tết nên công việc của y bác sĩ làm việc tại trung tâm khó khăn và vất vả hơn. Chỉ riêng việc triển khai tờ khai y tế đến với những hành khách từ vùng dịch đã khiến các nhân viên của trung tâm phải thức thâu đêm để photocopy. Bởi trong ngày nghỉ Tết, các nhà in đều nghỉ hết, các nhân viên phải dùng máy photocopy để làm nên rất lâu. Trong khi đó, trung bình một ngày phải in đến vài ngàn tờ khai y tế. Vào thời điểm bùng phát dịch, Trung tâm đã huy động hết nhân viên để cập nhật thông tin hành khách để lưu dữ liệu. Có thể nói, thời gian qua nhân viên của Trung tâm đã “không biết Tết là gì” và làm việc hơn 100% công suất”.

Chú thích ảnh
Đối với những nhân viên y tế dự phòng làm việc dưới các trạm y tế phường, xã khi nghe có một người đang cư ngụ trên địa bàn đến từ vùng có dịch, bất kể ngày hay đêm, lễ hay Tết họ đều tìm đến từng địa chỉ để điều tra dịch tễ, hướng dẫn cách phòng ngừa.

Còn bác sĩ Phạm Xuân Hải, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận 9, cho biết sau khi thành phố xuất hiện 2 ca bệnh, một cuộc họp khẩn vào chiều 30 Tết để triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, đồng thời kích hoạt đội phản ứng nhanh và trực đường dây nóng. Theo đó, những nhân viên nào có kế hoạch nghỉ Tết dù đã mua vé máy bay, tàu xe cũng đều phải hủy bỏ, không được rời thành phố để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Sau khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh gửi thông tin về việc có những người đi từ vùng dịch COVID-19 hay từng tiếp xúc với ca bệnh, hay nhận được một cuộc phản ánh qua đường dây nóng của người dân… bất kể ngày hay đêm, lễ hay Tết, những y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng từ quận, huyện cho đến phường, xã lại tất bật tìm đến từng địa chỉ để điều tra dịch tễ, hướng dẫn cách phòng ngừa, đo khám sức khỏe hàng ngày, thậm chí lo luôn cả phần ăn uống cho những người bị cách ly. “Trong mùa dịch này, khối lượng công việc nhiều và thường xuyên đột xuất hơn. Vừa rồi, cứ nghĩ dịch bệnh ở Trung Quốc đã ổn nhưng "đùng một cái" dịch tràn sang Hàn Quốc khiến những người làm công tác dự phòng như tôi lại phải chạy vắt chân lên cổ”, bác sĩ Hải cho biết thêm.

Nhiều y, bác sĩ đang tham gia trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 cũng chia sẻ rằng, với người làm dự phòng thì không phải hết bệnh nhân rồi là thôi, mà họ phải suy nghĩ, phải làm mọi thứ để sao cho không có thêm bệnh nhân nữa, mà nếu có bệnh nhân nữa thì đừng để lây thêm... Hay chỉ cần một bệnh nhân nghi ngờ là cả hệ thống đã chạy bất kể đêm ngày, lễ Tết, không kể ngày đêm giám sát những người đến từ vùng dịch để vừa hỗ trợ y tế cho những người này vừa để kiểm soát lây bệnh cho cộng đồng.

Căng thẳng và nguy hiểm

Chú thích ảnh
 Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tiến hành giám sát, thực hiện công tác kiểm dịch hành khách tại ga quốc tế cảng hàng không Tân Sơn Nhất.   

Trên thực tế, khi thấy số ca bệnh COVID-19 không ngừng gia tăng, khả năng lây nhiễm của loại virus này rất nhanh, cộng theo đó là thông tin về những y bác sĩ điều trị bị nhiễm bệnh dẫn đến tử vong, bản thân những nhân viên y tế làm công tác dự phòng cũng không ít băn khoăn và xáo động. Thế nhưng, khi nghe ở đâu đó trên địa bàn mình phụ trách có người về từ vùng dịch, hay có trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, họ lại bắt tay vào công việc nhanh chóng mà quên những lo lắng ban đầu và mối nguy hiểm cho bản thân. “Thật sự việc lo sợ lây nhiễm bệnh chỉ một phần rất nhỏ, mà điều tôi lo nhất là chẳng may mình bị lây nhiễm bệnh thì sẽ không đủ sức để làm việc và sẽ khó có ai có thể thay thế đảm đương được công việc của những nhân viên y tế dự phòng đang tham gia chống lại con virus này”, bác sĩ Phạm Xuân Hải khẽ mỉm cười tâm sự.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế dự phòng khử trùng tại trường học để chuẩn bị cho học sinh quay trở lại trường.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm kể, trong Trung tâm có một anh làm công tác kiểm dịch vợ mới sinh con nên ngày nào anh cũng tranh thủ sau giờ làm về nhà để được ôm hôn con. Nhưng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, anh không dám lại gần con hoặc có hôm ở lại cơ quan không về nhà vì sợ lây bệnh cho con mặc dù thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly. Anh cho biết, với công việc tiếp xúc rất nhiều hành khách, không ai biết được chuyện gì, chẳng may nhiễm bệnh rồi lây cho con thì có lỗi với con.

Còn bác sĩ Phạm Xuân Hải thì lại cảm thấy bối rối và có chút chạnh lòng khi đứa con gái của anh bị các bạn chọc ghẹo rồi về nói với anh rằng: “Ba ơi, mấy bạn nói con, ba hay đi tiếp xúc với người bệnh về sẽ lây cho con. Các bạn chơi với con sẽ bị con lây bệnh”. Lúc này anh cũng chỉ biết giải thích cho con anh hiểu về công việc của mình và chỉ cho con thực hiện các biện pháp phòng ngừa giống như anh đi tuyên truyền trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Khi xuất hiện một ca nghi ngờ nhiễm, những người làm công tác dự phòng xuống điều tra dịch tễ và đưa bệnh nhân về những khu vực cách ly.

Với công việc hàng ngày tiếp xúc với những người có yếu tố, nguy cơ mắc bệnh hay những ca nghi ngờ nhiễm, những nhân viên làm công tác dự phòng lại chỉ dám trang bị cho mình một cách rất thô sơ với chiếc khẩu trang y tế và một đôi găng tay. Bởi chỉ cần mặc một bộ đồ bảo hộ, trang bị kín mít như những bác sĩ ở trong bệnh viện thì lập tức sẽ được đưa lên mạng đồn thổi xuất hiện ca bệnh nhưng địa phương giấu.

“Chẳng hạn như mới đây, chúng tôi đeo găng tay khẩu trang phối hợp cùng với công an xuống điều tra một người trở về từ vùng dịch, thế là bị một người chụp ảnh và đưa lên facebook thông tin ở khu vực đó có người bị COVID-19 và chỉ vài phút đăng trên mạng xã hội, đã có hàng chục lượt chia sẻ và like. Sau khi biết được thông tin, nhân viên y tế phải đăng thông tin giải thích và báo cho công an xuống làm việc với người đăng thông tin. Nếu mặc đồ bảo hộ giống như các bác sĩ ở bệnh viện thì không biết sẽ còn bị đồn thổi đến cỡ nào. Thời buổi bây giờ, chỉ cần một thông tin giả xuất hiện trên mạng, hay một cuộc gọi điện thoại nửa đùa, nửa thật của người dân cũng khiến những người làm y tế dự phòng chạy đôn chạy đáo để xử lý”, bác sĩ Hải ngao ngán kể.

Chú thích ảnh
Những nhân viên y tế dự phòng, kiểm dịch chính là những "rào chắn" ngăn chặn virus xâm nhập vào cộng đồng.

Không chỉ thực hiện công tác chỉ đạo của ngành mà bác sĩ Hải còn kiêm phụ trách đường dây nóng về dịch bệnh. Trung bình có ngày anh nhận được cả 100 cuộc gọi điện thoại về thắc mắc của người dân, người dân hoang mang khi nghe có người ở gần đi từ vùng dịch, trong đó có những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Bác sĩ Hải kể, vào đầu giờ tối anh nhận được cuộc điện thoại của trung tâm cấp cứu 115 báo về trên địa bàn quận 9 có một Việt kiều Mỹ gặp người Trung Quốc và giờ đang có dấu hiệu nghi nhiễm virus Corona và người dân yêu cầu phải tới nhanh đưa người Việt kiều này đi cách ly. Nhận được thông tin anh lập tức liên hệ với người đã gọi đến Trung tâm cấp cứu 115 để xác minh địa điểm và tìm hiểu thông tin. Thế nhưng khi hỏi địa chỉ cụ thể để tới điều tra dịch tễ thì người dân gọi điện thoại lên trung tâm nhất quyết không cho địa chỉ mà chỉ nói nằm trên đường Nguyễn Xiển. “Buổi tối hôm đó tôi phải gọi điện thoại tới lui đến tận 12 giờ đêm mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Sáng hôm sau gọi lại tiếp theo số điện thoại cũ thì một người khác bắt máy và cho biết người tối hôm qua trong lúc nhậu say nghe được câu chuyện nói đùa trên bàn nhậu nên đã gọi điện thoại. Lúc này tôi chỉ biết kêu trời!”, bác sĩ Hải nói.

Làm nhiều, "bị mắng" nhiều thành quen.

Tuy nhiều nguy hiểm, vất vả nhưng không phải lúc nào cán bộ y tế dự phòng cũng nhận được sự hợp tác của người dân trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Bác sĩ Tâm cho biết, có những hành khách bị cách ly khi nghe nhân viên kiểm dịch giải thích họ vui vẻ chấp nhận nhưng cũng có nhiều hành khách thì cự cãi, phản đối, la mắng nhân viên kiểm dịch. Thậm chí họ cho rằng những nhân viên kiểm dịch đang tìm cách làm khó làm dễ để “vòi tiền”. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, nhân viên kiểm dịch vẫn luôn nhẫn nhịn để không làm ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch COVID-19. “Nếu giữ họ tới giờ ăn thì bên Trung tâm còn phải có suất ăn miễn phí tại sân bay. Nhiều khi có những hôm 1 -2 giờ sáng cũng phải chở những hành khách nghi ngờ nhiễm đến những nơi cách ly”, bác sĩ Tâm cho biết thêm.

Cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự khi giám sát tại cộng đồng, bác sĩ Phạm Xuân Hải kể, khi nhận được thông tin có 3 người Trung Quốc đang cư ngụ tại địa bàn, nhân viên y quận đã đến để tiến hành điều tra dịch tễ nhưng khi tới nơi ở của những người này gọi cửa mãi họ không chịu ra mở cửa. Cuối cùng nhân viên y tế phải nhờ đến sự trợ giúp của công an và ban quản lý chung cư để yêu cầu họ mở cửa. Tuy nhiên, khi mở cửa người này không chịu hợp tác, họ biết nói tiếng Việt nhưng không chịu nói không chịu nghe. Sau một thời gian giải thích cuối cùng những người này cũng đã hợp tác và thực hiện theo những khuyến cáo của nhân viên y tế.

Không chỉ trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 này, mà trong quá trình tiếp xúc với cộng đồng để tuyên truyền phòng chống nhiều dịch bệnh khác, nhân viên y tế cũng nhiều lần bị người dân cự cãi. Bác sĩ Hải dẫn chứng: “Khi đi phun thuốc phòng bệnh thì nhiều người không cho phun, đến khi chưa kịp đi phun thì họ lại gọi lên phản ánh sao để muỗi nhiều chưa chịu phun thuốc… Hay khi thấy một thông tin đăng trên mạng sai sự thật, chúng tôi đính chính thì cũng bị chửi. Mà bị chửi riết rồi cũng quen và "chai" luôn”.

Tuy nhiên, ngành y tế dự phòng không lẻ loi trong công tác phòng chống dịch bệnh mà chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã đồng hành, ủng hộ, nên dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Đánh giá về xử lý dịch COVID-19, WHO cũng nhận định năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp đã tăng lên đáng kể, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Hà Nội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để phòng chống dịch COVID-19
Hà Nội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để phòng chống dịch COVID-19

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến sáng 25/2, trên địa bàn Hà Nội có thêm 1 trường hợp tại quận Nam Từ Liêm nghi ngờ mắc virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nghi ngờ mắc trong toàn thành phố lên 79 trường hợp, trong đó 77 trường hợp đã xét nghiệm âm tính, chỉ còn 2 trường hợp đang tiếp tục cách ly, theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN