'Bác chúc Không quân có nhiều Cốc hơn nữa'

Trong chiến tranh chống Mỹ, phi công Nguyễn Văn Cốc, người con của quê hương Bích Sơn, Việt Yên, Bắc Giang được đồng đội đặt cho biệt danh "Chim cắt số 2". Đây là người đã lập kỷ lục bắn hạ 9 chiếc máy bay Mỹ và đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phong hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh hùng Nguyễn Văn Cốc giờ đã ngoài 70 tuổi, mái tóc bạc trắng, nhưng trong tâm trí ông còn nhớ rất rõ kỷ niệm về lần được gặp Bác, về những lời căn dặn của Người.

Hồi nhỏ, Nguyễn Văn Cốc học tại trường Ngô Sĩ Liên, thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ, nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Tháng 6 năm 1961, ông nhập ngũ và được đưa đi huấn luyện tại Trường Hàng không Việt Nam ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Sau đó nửa năm, Nguyễn Văn Cốc lại được chọn đi học khóa huấn luyện lái máy bay MiG-17 trong 3 năm tại Liên Xô. Về nước, ông được phiên chế làm phi công của Đại đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, phi công Nguyễn Văn Cốc và đoàn học viên gồm 15 người đã từng học bay MiG-17 trở lại Liên Xô để học lái máy bay loại MiG-21.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi phi công Nguyễn Văn Cốc tại Đại hội Anh hùng-chiến sĩ thi đua Quân chủng Phòng không-Không quân năm 1969. Ảnh: wikipedia


Giữa tháng 5 năm 1966, sau khi hoàn thành tốt nghiệp lái máy bay tiêm kích MiG-21, Nguyễn Văn Cốc cùng đồng đội trở về nước tham gia chiến đấu. Ông được xếp vào đội hình bay số 2 trong biên đội - vị trí quan trọng làm nhiệm vụ bay yểm trợ, hỗ trợ cho số 1 (Biên đội trưởng) tấn công tiêu diệt máy bay địch. Trong thời gian từ tháng 4/1967 đến tháng 2/1969, Nguyễn Văn Cốc cùng các phi công trong biên đội đã tham gia nhiều trận chiến đấu trên vùng trời phía Bắc, tấn công, tiêu diệt nhiều máy bay của giặc Mỹ. Riêng phi công Nguyễn Văn Cốc đã lái máy bay bắn rơi được 9 chiếc máy bay Mỹ gồm 5 chiếc F-105, 2 chiếc F-4 và 2 chiếc máy bay trinh sát không người lái trên các vùng trời Hà Nội, Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Hà Bắc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khu Bốn...

Tự hào kể về những trận đánh tiêu biểu của mình, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc xúc động khi nhớ lại lần được gặp Bác Hồ vào ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu năm 1969 khi Bác đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân. Cây gậy trúc Bác thường dùng đi rừng năm nào, lại theo tay Bác đến thăm bộ đội Không quân. Tại cuộc họp mặt, Bác hỏi: Buổi họp mặt hôm nay có mấy đồng chí là Anh hùng quân đội? Chính ủy Đặng Tính thưa: Thưa Bác, có 5 đồng chí ạ! Bác gật đầu, rồi hỏi tiếp: Người nào bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất? Chính ủy Đặng Tính tự hào báo cáo với Bác: Thưa Bác, đồng chí Nguyễn Văn Cốc, phi công Trung đoàn 921 bắn rơi nhiều nhất ạ! Bác hỏi: Chú Cốc có mặt ở đây không?

Nghe Bác gọi tên mình, Nguyễn Văn Cốc vô cùng xúc động: - Dạ thưa Bác, cháu Cốc có mặt ở đây ạ. Bác nhìn về phía Cốc và nói: Chú Cốc lên đây. Nguyễn Văn Cốc đứng nghiêm trước mặt Bác, giơ tay chào Bác theo kiểu quân sự: - Báo cáo Bác, phi công Nguyễn Văn Cốc có mặt ạ! Tiếng cười rộn dưới hàng quân và tiếng vỗ tay vang lên. Bác trìu mến hỏi: - Chú bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ? - Thưa Bác, cháu bắn rơi 9 chiếc ạ! Bác cười tươi, nắm chặt tay, ôm lấy Cốc và hôn. Bác nói: - Chú Cốc giỏi lắm, bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ là giỏi! Nói rồi, Bác chuyển bàn tay trái cầm tay Nguyễn Văn Cốc giơ lên cao, tay phải của Bác cũng giơ lên trước hàng quân. Bác nói to để mọi người đều nghe rõ: - Nhân dịp đầu năm mới, Bác chúc cho Không quân có nhiều Cốc hơn nữa! Tiếng vỗ tay vang lên cùng với tiếng reo vui hồ hởi của mọi người...

Xúc động khi nhớ về kỷ niệm xưa, như nghẹn lời, ông nói, ông luôn trân trọng, biết ơn sâu sắc tình cảm của Người Cha già kính yêu, trong chiến đấu ông luôn nghĩ đến Bác, mong muốn quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau mỗi lần bắn rơi máy bay địch, chiến thắng trở về, ông đều nói vinh quang này là thuộc về Đảng, nhân dân, Bác Hồ vĩ đại. Ông bộc bạch rằng, trong cuộc đời mình ông mong muốn học được thật nhiều ở Bác đức tính giản dị, khiêm tốn, liêm khiết, hết lòng vì nước vì dân.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của phi công Nguyễn Văn Cốc, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969 và trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý khác, gồm: 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 7 Huân chương Chiến công (hạng Nhì, hạng Ba), 1 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng và 9 Huy hiệu Bác Hồ.


Việt Hùng
'Được chụp ảnh Bác là hạnh phúc lớn nhất đời tôi'
'Được chụp ảnh Bác là hạnh phúc lớn nhất đời tôi'

"Tôi không nhớ mình đã từng chụp hết bao nhiêu cuốn, bao nhiêu thước phim, bao nhiêu chiếc máy ảnh đã qua tay mình và cũng không nhớ đã sáng tác bao nhiêu tác phẩm... Nhưng vinh dự và hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi là được chụp ảnh về Bác”, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Đinh tâm sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN