Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương: sáng sớm 29/3, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão đầu tiên hoạt động trên Biển Đông và có tên quốc tế PAKHAR (là loài cá nước ngọt sống ở sông Mê Kông do Lào đề xuất).
Hồi 7 giờ ngày 29/3, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 470 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 3 - 5 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 30/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 410 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 1 tiếp tục di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 3 - 5 km. Đến 7 giờ ngày 31/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 350 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo bão tiếp tục di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 3 – 5 km.
Do ảnh hưởng của bão khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh.
Dự báo đường đi và vị trí của cơn bão. Ảnh: nchmf.gov.vn |
Ngoài ra bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống nước ta. Dự báo khoảng chiều tối và đêm 30/3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5.
Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung bộ từ đêm ngày 30/3 có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ đêm 30/3 trời trở rét.
Văn phòng BCĐ PCLBTW tổ chức trực ban nghiêm túc, cập nhật và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1; đôn đốc các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và Kiên Giang theo dõi, cập nhật tình hình tầu thuyền; kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các đề nghị của địa phương để đảm bảo các tầu thuyền được vào trú tránh an toàn ở lãnh thổ các nước trong khu vực. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và Kiên Giang triển khai nghiêm túc công điện số 04/CĐ-TW ngày 26/3/2012 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương; tổ chức trực ban 24/24h; phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng tuyến biển kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trú tránh bão; tổ chức cứu hộ, cứu nạn các tàu thuyền gặp sự cố trên biển và có báo cáo nhanh về tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển
Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, theo báo cáo nhanh số 555 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 16h30 ngày 28/3 đã thống kê, kiểm đếm, kêu gọi được 36.671 tàu, thuyền /190.861 lao động biết diễn biến của ATNĐ đã mạnh lên thành bão, trong đó tại k hu vực quần đảo Trường Sa có 1.023 tàu /14.166 lao động; n eo đậu, hoạt động ven bờ và các khu vực khác là 35.648 tàu /175.861 lao động.
Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Khánh Hòa, có 8 tàu đánh cá với 74 lao động đánh bắt ở tọa độ 7 o N, 110 o 30’E do ảnh hưởng của ATNĐ nên sóng, gió mạnh rất nguy hiểm, đề nghị được giúp đỡ vào trú để tránh tại Malaysia. Trực ban đã liên lạc và chuyển các Văn bản liên quan tới Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Cục đã có công hàm cho Đại sứ quan Malaysia tại Hà Nội và gửi cho Đại sứ quan Việt Nam tại Malaysia đề nghị tạo điều kiện cho tàu Việt Nam vào tránh trú áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn.
Tính đến thời điểm này, còn có 6 sự cố về tàu thuyền trên biển. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi có 3 trường hợp gồm: tàu cá QNg 96318 TS của ông Lê Văn Thành ở An Hải, Lý Sơn được phương tiện QNg96697 của ông Lê Khởi ở Lý Sơn lai dắt an toàn về đảo Lý Sơn; tàu cá QNg 94285 TS do ông Nguyễn Trung ở Phổ Vinh làm thuyền trưởng bị nước vào, hiện đã được lai dắt về đảo Lý Sơn; tàu cá QNg 48818 TS do ông Châu Hùng Bình làm thuyền trưởng bị hỏng máy ngày 24/3, theo báo cáo qua điện thoại, đã được lai dắt về đến nơi.
Tỉnh Phú Yên có 3 trường hợp gặp sự cố gồm: tàu PY 92519 TS/09 do ông Trần Sang làm thuyền trưởng bị hỏng máy ngày 25/3 đã được BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh cử cán bộ đồn 352 phối hợp cùng gia đình thuê phương tiện của ông Võ Minh Diện lai dắt cập bến Cam Ranh - Khánh Hòa an toàn; tàu PY 96284/10 LĐ do ông Trần Văn Phú làm thuyền trưởng bị sóng đánh chìm, 10 người được cứu vớt an toàn; tàu PY 90945/09 LĐ do ông Trần Văn Thảo làm thuyền trưởng bị mắc cạn, tàu hư hỏng được tàu Hải quân cứu hộ an toàn.
Thanh Tuấn