Ao hồ Hà Nội kêu cứu - Bài 1

Hầu hết các ao hồ tại Hà Nội đều đang bị ô nhiễm. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng tình trạng cải tạo xong rồi lại ô nhiễm vẫn diễn ra.


DIỆN TÍCH NGÀY CÀNG CO HẸP

Trong 5 năm qua, Hà Nội đã mất đi 10 ao, hồ với diện tích mặt nước giảm hơn 72.000 m2. Rất nhiều hồ ô nhiễm nặng. Quy định thì có nhiều nhưng tình trạng ô nhiễm và bồi lấp vẫn diễn ra bởi lý do “cha chung không ai khóc”.

Mất 72.000 m2 trong 5 năm

Hồ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) là một trong những hồ ô nhiễm nhất của thành phố. Rêu xanh phủ kín trên mặt nước, xung quanh miệng cống nước nổi váng trắng, bốc mùi hôi thối. Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ dân sống ở đường hồ Văn Chương cho biết, do nắp cống làm cao hơn mặt hồ, nên mỗi khi nước hồ cạn thì nước thải bên ngoài chảy vào hồ gây ô nhiễm.

Cách hồ Văn Chương không xa, hồ Linh Quang (cũng thuộc quận Đống Đa) cũng được đánh giá là một trong những hồ ô nhiễm nhất, dù nằm trong dự án cải tạo từ năm 2010, nhưng đến nay dự án vẫn bị bỏ ngỏ. Hồ chưa có kè, hành lang và bị lấn chiếm nặng nề. Bờ phía chợ Văn Chương trở thành bãi trông xe ô tô và tập trung chất thải rắn. Phần bờ còn lại sát với nhà dân, nhà trọ bị lấn chiếm để đổ đất, chất thải xây dựng, rác. Nước hồ đen ngòm, bốc mùi, mặt hồ bị rác thải, xác động vật, cỏ dại phủ kín. Trước đây hồ rộng khoảng 2 ha nhưng nay chỉ còn là chiếc ao nhỏ.

Những dẫn chứng trên chỉ là một vài trong số hồ ô nhiễm của Hà Nội. Theo đánh giá, hầu hết các hồ đều trong tình trạng ô nhiễm. Thực tế thời gian qua đã có không ít dự án cải tạo ao, hồ trên địa bàn. Tuy nhiên, hầu hết các dự án mới chỉ được tác động ở góc độ khoa học, kỹ thuật, chưa có việc duy trì và bảo vệ hồ sau cải tạo; các hồ vẫn được sử dụng nuôi cá và tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các hộ dân… nên dẫn đến điệp khúc hồ cải tạo rồi lại ô nhiễm.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, trong 5 năm lại đây, có 17 hồ tại Hà Nội bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung, tổng lượng ao hồ năm 2015 là 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010 với diện tích mặt nước bị giảm 72.540 m2.

Trong 5 năm qua, TP Hà Nội đã có đầu tư lớn cho công tác cải tạo, xử lý kỹ thuật các ao, hồ trên địa bàn, số lượng ao, hồ đã được kè toàn phần và kè một phần có xu hướng tăng, số ao hồ chưa kè giảm mạnh…Tuy nhiên, đến nay vẫn còn gần 10% số ao, hồ có dấu hiệu ô nhiễm và ô nhiễm rất nặng. Cụ thể, trong số 30 hồ được khảo sát phân tích hiện trạng nguồn nước, có tới 6 hồ ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hoạt động của con người như xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải và lấn chiếm lòng ao hồ để nuôi cá, kinh doanh…

“Cha chung không ai khóc”

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và cộng đồng cho biết, để quản lý, bảo vệ các ao, hồ ở Hà Nội có cả một hệ thống quy định từ luật đến các văn bản dưới luật, cùng với các cấp quản lý từ UBND TP đến UBND quận, phường và những sở chuyên ngành. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có quy định phạm vi quản lý các hồ Hà Nội thuộc UBND TP Hà Nội. TP Hà Nội cũng đã ban hành một số chính sách về môi trường như Quyết định 2249/2011 về Quy chế quản lý, duy trì chất lượng nước các hồ sau xử lý ô nhiễm... Tuy nhiên, tất cả các văn bản trên chỉ mang tính liệt kê các nhiệm vụ chung chung, chưa cụ thể; việc phân cấp quản lý theo chức năng xé nhỏ.

Đơn cử, một hồ cụ thể, nếu phân cấp cho quận, việc quản lý hồ sẽ do Phòng Môi trường quận quản lý. Nhưng mực nước tại một số hồ điều hòa ở Hà Nội lại do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội quản lý nên chất lượng nước do công ty này chịu trách nhiệm. Trong khi đó, việc giám sát chất lượng nước lại do Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách. Như vậy, nếu hồ bị ô nhiễm trầm trọng, người dân không biết phải báo với ai và ai là người thực sự chịu trách nhiệm giữ nước hồ trong sạch.

“Việc quản lý hồ của Hà Nội hiện nay được ví như việc các bệnh viện quản lý từng bộ phận cơ thể người, nơi quản lý mắt, nơi quản lý chân, tay... Chính sự chồng chéo trong phân khúc quản lý này dẫn đến tình trạng khi các hồ gặp sự cố thì không đơn vị nào chịu trách nhiệm”, bà Lý cho biết.

Bên cạnh việc chồng chéo trong phân cấp quản lý thì bất cập trong việc phân định chức năng của hồ hiện nay cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Mặc dù Quy chế quản lý hồ theo Quyết định só 2249/QĐ-UBND TP Hà Nội ngày 18/5/2011, đã có quy định cấm nuôi cá. Tuy nhiên, thực tế rất ít hồ thực hiện được quy định này, kể cả những hồ nổi tiếng như Nam Đồng, Đền Lừ, Thanh Nhàn… việc nuôi cá vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí những hồ đang ô nhiễm hữu cơ như Ao Phủ, hồ Hố Mẻ… cũng được nuôi cá kinh doanh. Điều này gây ô nhiễm, làm xuống cấp chất lượng nước.

Để giải quyết các mâu thuẫn trên, Hà Nội cần có biện pháp thay đổi quyết liệt trong quản lý. Bắt đầu từ việc xác định rõ lại chức năng của hồ Hà Nội, ưu tiên chức năng phù hợp với đô thị hiện đại như môi trường, cảnh quan, văn hóa, điều hòa lũ… “Cần loại bỏ hoàn toàn chức năng nuôi cá và thoát nước và có quy định rõ ràng trong việc phối hợp giữa các đơn vị. Nhưng thiết nghĩ, để tiện cho công tác duy tu, nâng cấp hồ và tránh câu chuyện “cha chung không ai khóc”, nên chăng giao hẳn việc quản lý hồ cho các địa phương hoặc một đơn vị quản lý độc lập”, bà Lý đề xuất.

Bài cuối: Bảo vệ môi trường hồ bền vững nhờ cộng đồng
Thu Trang
Ao hồ Hà Nội ô nhiễm nặng nề
Ao hồ Hà Nội ô nhiễm nặng nề

Hà Nội được đánh giá là thành phố xanh với hơn 100 ao hồ lớn nhỏ trong 10 quận nội thành nhưng hiện nay đều đối mặt với vấn đề ô nhiễm và lấn chiếm, khiến cho những “lá phổi xanh” không còn xanh…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN