Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Tuyết Thanh bán hàng online Facebook (phố Mai Động, Hà Nội) nói: “Mấy ngày nay, nhiều chị em hỏi mua áo chống nắng xuất Nhật. Hiện trên thị trường bán không dưới 300.000 đồng/áo nhưng đang đợt giảm giá nên tôi chỉ bán 185.000 đồng/áo. Mỗi ngày, trung bình tôi bán được khoảng 10 - 15 áo chống nắng”. Theo chị Tuyết Thanh, áo chống nắng này được nhiều người thích bởi chất liệu mịn siêu nhẹ, cản tia UV, thấm mồ hôi với các màu như: ghi xám, tím than, hồng nhạt baby, xanh ngọc, xanh biển đậm, rêu, vàng…
Tại cửa hàng ở 54 Bà Triệu, vừa bán hàng cho khách, chủ cửa hàng vừa cho hay: Mẫu áo váy chống nắng Việt Nam với chất liệu mát có giá từ 250.000 - 380.000 đồng/chiếc làm từ thun lạnh, vải lanh, còn chất thô thì được bán 220.000 đồng/chiếc. Khẩu trang vải được rao với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/chiếc (loại 30.000 đồng che được cả cổ).
Cũng để chống chọi với cái nắng gay gắt, nhưng ở phân khúc cao hơn, không ít khách hàng sẵn sàng chi hầu bao cho sản phẩm đắt tiền. Đó là áo chống nắng mang nhãn Uniqlo, xuất xứ Nhật Bản được quảng cáo chống được tia UV với giá bán từ 400.000 - 600.000 đồng/chiếc; loại cao cấp hơn từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/chiếc. Những mẫu này được quảng cáo là sử dụng chất liệu có chứng nhận về chỉ số UPF 50+, tỉ lệ che UV nên đến 97%.
Trên mạng xã hội, một số cơ sở kinh doanh còn quảng cáo sản phẩm áo chống nắng được kỳ vọng bán chạy nhất trong hè 2020 là mẫu áo Nhật Bản Cardina. Giá bán lẻ áo rời từ 350.000 - 550.000 đồng/áo liền khẩu trang; giá bán lẻ áo + váy quây rời từ 500.000 - 970.000 đồng gồm bộ áo váy liền khẩu trang; 150.000 đồng/váy quây.
Chị Nguyễn Minh Thu, ngõ 402 Bạch Mai chia sẻ: “Trước kia tôi không mấy quan tâm tới áo chống nắng dạng váy vì rất lòe xòe, đi xe máy số sợ không an toàn. Tuy nhiên, đợt hè này, có rất nhiều áo váy đẹp, chất nhũn mát và thời trang, trong khi tiết trời ngày càng nắng nóng, khắc nghiệt nên tôi đã mua để mặc chống nắng. Sản phẩm rất thuận tiện cho chị em mặc váy không bị bỏng rát chân, đùi khi đi ra đường”.
Mỗi đợt nắng lên là nhu cầu giải khát của người dân tăng mạnh. Chủ cửa hàng nước mía, anh Đào Trung Dũng (số 187 Bà Triệu, Hà Nội) cho hay: Mấy ngày nay, anh đều bán được trung bình từ 200 - 300 cốc nước mía. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách mua nước mía, theo anh Dũng là chậm hơn bởi vừa nghỉ COVID-19 kéo dài. Không chỉ vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số cửa hàng bán nước mía sôi động một thời trên con phố Bà Triệu cũng đã bàn giao mặt bằng vì gặp khó khăn tài chính.
“Với giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng/cốc, doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ này cũng hấp dẫn hơn nhiều so với các dịch vụ khác ế ẩm bị ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19”, anh Đào Trung Dũng nói.
“Có hôm nắng đỉnh điểm, chỉ trong buổi sáng, tôi ép bán hết 50 cây mía. Nước mía bán theo cốc là 10.000 đồng, theo chai 15.000 đồng/chai”, chị Thu Nga, chủ quầy bán nước mía trên phố Trần Duy Hưng, Cầu Giấy (Hà Nội) nói. Không chỉ bán tại chỗ, chị Thu Nga còn nhận ship đến các địa chỉ yêu cầu với số lượng từ 10 cốc trở lên.
Theo chị Nga, khu vực chị bán gần các tòa nhà văn phòng nên mấy ngày nay, dù tiết trời đã hạ nhiệt nhưng vẫn oi bức nên chị vẫn bán được trung bình tại chỗ là 50 cốc, ship được khoảng 100 cốc. Trừ các chi phí, mỗi cốc nước mía, chị Nga lãi được 5.000 đồng. "Tính ra mỗi ngày nếu bán được 200 cốc cũng lãi cả triệu đồng nên nắng nóng vẫn cố đứng ra vỉa vè quay nước mía"- chị Nga nói.
Vừa đẩy xe dừa tại khu vực Bách Khoa, phố Bạch Mai (Hà Nội), chị Thu Hương, quê ở Nam Định, thuê nhà ở Bến xe nước ngầm cho hay: Hằng ngày trung bình chị bán được hơn 100 quả dừa/ngày với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/quả, lãi được 1.500 - 2.000 đồng/quả nhưng phải đi bộ đẩy xe hàng từ 6 – 7 tiếng/ngày, rất vất vả dưới trời nắng nóng. Hôm nào trời nắng đỉnh điểm thì bán được tới 200 quả/ngày. Ngoài mía, nước dừa, các loại ước ép hoa quả sẵn như: cà rốt, dứa, ổi… cũng tràn vỉa hè ở Hà Nội với giá chỉ từ: 10.000 - 20.000 đồng/chai, 20.000 - 30.000 đồng/lít.
Theo dự báo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến 10/2020 tại Việt Nam phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1 độ C; riêng tháng 5/2020 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 1-2 độ C.
Mặc dù tiết trời nắng gắt, dự báo ngày càng khắc nghiệt nhưng vì cuộc sống mưu sinh, rất nhiều người dân, người lao động, shipper, bán rong vẫn phải "oằn mình" dưới nắng để bươn chải kiếm sống.
Tuy nhiên, đối với giới văn phòng, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 14 giờ; sử dụng kem chống nắng có độ SPF từ 30 trở lên khi đi ra ngoài; dùng các phụ kiện chống nắng. Đặc biệt, uống nhiều nước và ăn nhiều rau củ quả để giữ sức khỏe.