Hoạt động xả lũ nhằm chủ động trong việc ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn sản xuất vụ Thu Đông năm 2016, Đông Xuân 2016 – 2017 trong vùng Tứ giác Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang do diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh An Giang đột ngột tăng nhanh.
Hình ảnh xả lũ đập Tha La. Ảnh : Vương Thoại Trung/TTXVN |
Theo đó, đập Tha La xả lũ vào lúc 8 giờ, thứ tư ngày 19/10. Đập Trà Sư xả lũ vào lúc 9 giờ, thứ tư ngày 19/10. Để bảo vệ an toàn cho người, tài sản của người dân vùng hạ du, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn-Một thành viên Khai thác thủy lợi An Giang thông báo đến các đơn vị, địa phương và nhân dân biết, có phương án an toàn bảo vệ đê bao sản xuất.
Hai đập Tha La và Trà Sư được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000. Nhiệm vụ chính là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, bảo an toàn sản xuất vụ Thu Đông (vụ ba).
Việc xả lũ ở hai đập Tha La và Trà Sư nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ của hai đập Tha La và Trà Sư đối với vùng Tứ Giác Long Xuyên được tốt hơn. Trong quá trình mở đập xả lũ, các địa phương trong vùng có yêu cầu đóng đập để bảo vệ an toàn đê bao tiểu vùng thì báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang.
Theo thông báo, số liệu từ Đài khí tượng thủy văn An Giang ngày 11 /10, mực nước tại các trạm đầu nguồn đo được như sau: tại Tân Châu: lũ đạt mức 2,68 m, cao hơn so với cùng cùng kỳ năm 2015 là 0,39 m. Tại Châu Đốc, lũ đạt mức 2,31 m, so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn 0,28 m. Tại đập Tha La và đập Trà Sư khu vực thương lưu, mực nước đo được vào ngày 11/10 đã đạt 2,52 m và 2,46, cao hơn hạ lưu từ 1,78 m đến 1,87 m.
Dự báo, mực nước cao nhất đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực hạ nguồn, khu vực nội đồng Tứ Giác Long Xuyên những ngày tới sẽ ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 từ 19 - 90 cm; mực nước thấp nhất khu vực hạ nguồn ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 từ 20 - 45 cm.