30 năm phong trào tình nguyện hè tại TP Hồ Chí Minh: Viết nên những câu chuyện đẹp về lẽ sống của tuổi trẻ

Năm 2023 ghi dấu cột mốc 30 mùa hè tình nguyện vì cộng đồng của thanh niên TP Hồ Chí Minh (1994 – 2023). TP Hồ Chí Minh là nơi khởi đầu phong trào thanh niên tình nguyện trên quy mô lớn của cả nước trong thời kỳ đổi mới.

Qua 30 năm, các chiến dịch tình nguyện ngày càng mở rộng về quy mô và đi vào chiều sâu, trở thành hoạt động chủ đạo cho phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ Thành phố, qua đó đã viết nên những câu chuyện đẹp về lẽ sống của tuổi trẻ giữa thời bình tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ tình nguyện tại lễ ra quân. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

30 năm – Một hành trình ý nghĩa

Mùa hè tình nguyện của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh được khởi nguồn từ Chiến dịch tình nguyện “Ánh sáng văn hóa hè” năm 1994. Xuất phát từ nhu cầu xóa mù chữ cho một bộ phận người dân Thành phố, đặc biệt tại các huyện ngoại thành, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức ra quân Chiến dịch tình nguyện “Ánh sáng văn hóa hè” vào ngày 5/7/1994 với sự tham gia của 710 sinh viên đến từ 10 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp về các xã thuộc huyện Bình Chánh để tổ chức lớp học và trực tiếp giảng dạy trong gần 3 tháng, xóa mù chữ cho gần 1.000 người, giúp đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục của Thành phố.

Đến năm 1997, Thành Đoàn Thành phố phát triển Chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” thành Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” với nội dung và phương thức hoạt động đa dạng hơn; lực lượng tham gia Chiến dịch cũng dần được mở rộng theo từng năm từ đối tượng sinh viên sang nhiều đối tượng khác như thanh niên địa bàn dân cư, thanh niên công nhân lao động, thanh niên lực lượng vũ trang; giáo viên, giảng viên trẻ, tri thức trẻ, y bác sĩ trẻ, văn nghệ sĩ trẻ; các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện không thuộc Đoàn – Hội Thành phố.

Cũng từ Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh”, lần lượt các chương trình, chiến dịch tình nguyện tiếp theo của tuổi trẻ Thành phố được ra đời trong những năm sau đó gồm: “Hoa phượng đỏ” (năm 1999), “Kỳ nghỉ hồng” (năm 2002), “Hành quân xanh” (năm 2007), chương trình “Hỗ trợ thí sinh đi thi Đại học, Cao đẳng” (năm 1997), "Tiếp sức mùa thi" (năm 2001), “Gia sư áo xanh” (năm 2012). Đến năm 2009, chiến dịch được đổi tên thành “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè” cho đến ngày nay Đặc biệt, trong thời điểm 2020 - 2021 có hoạt động tình nguyện viên phòng, chống COVID-19 mang tên “Go volunteer!”.

Ngoài ra, từ năm 2000, thanh niên tình nguyện Thành phố bắt đầu mở rộng địa bàn hoạt động hỗ trợ các địa phương miền Nam cùng một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đến nay, sau 30 năm, hoạt động tình nguyện hè của thanh niên TP Hồ Chí Minh đã mở rộng đến 20 tỉnh trên cả nước, như: Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Tây Ninh… và các đảo Phú Quý, Lý Sơn, Thổ Chu cùng các tỉnh thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia.

Thông qua các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, nhiều nội dung, công trình đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Có thể kể đến nội dung bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị được Ban Thường vụ Thành Đoàn triển khai thường xuyên, liên tục từng năm, giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề môi trường của Thành phố góp phần xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị.

Trong đó, các công trình “Cải thiện môi trường, cảnh quan sông Sài Gòn”, “Cải thiện môi trường, cảnh quan các tuyến kênh, rạch trên địa bàn Thành phố” triển khai từ năm 2009 đến 2018 đã thu hút hơn 39.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Các tình nguyện viên tiến hành nạo vét, khơi thông 71 tuyến kênh  thoát ra lưu vực sông Sài Gòn với tổng chiều dài hơn 39.015m, đồng thời đã thu gom hơn 35.000 tấn xà bần, bùn đất, cỏ rác. Bên cạnh đó, các chiến sĩ tình nguyện đã trồng hơn 3 triệu cây xanh trên khắp các địa bàn công tác. Đây là công trình được đánh giá là hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên toàn tuyến sông Sài Gòn.

Trong phong trào thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, chương trình “Xây dựng cầu nông thôn, đường giao thông” được duy trì qua các năm 2002, 2006, 2008, 2009. Đã có 179 cây cầu, 136,76 km đường giao thông nông thôn được xây mới cùng 33 cầu được sửa chữa với tổng kinh phí 20,36 tỷ đồng. Chiến dịch còn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, khuyến nông, tư vấn khoa học công nghệ và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào vùng nông thôn; tuyên truyền pháp luật, phiên tòa giả định, tuyên truyền cho người dân về thủ tục hành chính. Chiến dịch còn mở các lớp phổ cập tin học cho thanh thiếu nhi, tổ chức ngày hội việc làm, ngày hội trao vốn cho thanh niên nông thôn; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhân dân, thanh thiếu nhi địa phương; xây dựng các sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi ở các huyện ngoại thành; tham gia các hoạt động góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới.

Đặc biệt, năm 2021, TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn do COVID-19 bùng phát nghiêm trọng. Trong giai đoạn đó, thanh niên Thành phố đã thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ, sẵn sàng tạm xa gia đình trong nhiều tháng để xông pha trên tuyến đầu của mặt trận chống dịch. Hàng nghìn bạn trẻ là đoàn viên thanh niên, sinh viên y khoa đã đăng ký tình nguyện đến hỗ trợ các y, bác sĩ, ngành chức năng địa phương thực hiện nhiều công việc từ lấy mẫu xét nghiệm cho đến vận chuyển, cung cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, điểm phong tỏa, chốt kiểm soát trên toàn địa bàn. Nhiều bạn đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động “Đi chợ cho người dân”, tổ chức mô hình “Siêu thị 0 đồng”, thực hiện tuyên truyền “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân thực hiện nguyên tắc 5K, nấu các bữa cơm thiện nguyện…

Phát triển công tác tập hợp thanh niên, xây dựng lực lượng

Chú thích ảnh
Thanh niên, sinh viên tình nguyện TP Hồ Chí Minh tham gia vớt lục bình, khơi thông dòng chảy tại rạch Ông Tổng, quận Gò Vấp. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Từ thực tiễn của các chiến dịch tình nguyện hè, đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, nhiều nhân tố tích cực gắn với hành động dũng cảm hay công trình sáng tạo. Có thể kể đến anh Lê Xuân Sinh, Chuyên viên Trung tâm Đào tạo từ xa Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, là Chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa Hè Xanh cấp Trường từ năm 1996 – 2005, Phó Chỉ huy trưởng cấp Thành phố mặt trận Trường Sơn năm 2001 và 2002. Trong quá trình tham gia Chiến dịch, anh Sinh đã chỉ huy các mặt trận tại huyện Cần Giờ; mặt trận Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; các trường, trung tâm cai nghiện; các tỉnh Tây Nguyên; công trình thủy điện và đội hình chuyên tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2018 – 2023, anh Sinh thực hiện “Hành trình trở lại mặt trận” với cách thức tập hợp lại các cựu chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh của Trường Đại học Mở Thành phố; tổ chức quay lại các địa bàn ngày xưa đội hình đã đóng quân để trao tặng các công trình hỗ trợ địa phương. Với những đóng góp của mình, anh Sinh đã nhận được Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và 15 Bằng khen của Trung ương Đoàn.

Bên cạnh đó, thông qua Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đã phát triển công tác xây dựng lực lượng, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, tạo môi trường rèn luyện, cống hiến và trưởng thành cho thanh niên. Với chủ trương củng cố tổ chức Đoàn, Hội, Câu lạc bộ - đội - nhóm, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, lòng yêu nước cho từng chiến sĩ, những hoạt động của Chiến dịch đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi, làm chất xúc tác tập hợp, lôi cuốn và thu hút thanh niên, thiếu nhi địa phương đến với tổ chức Đoàn - Hội; đồng thời tạo môi trường cho các chiến sĩ tình nguyện được giao lưu, học hỏi, phấn đầu rèn luyện và trưởng thành.

Qua 30 năm thực hiện, Chiến dịch đã đón nhận sự tham gia của gần 3,9 triệu lượt đoàn viên, thanh niên; trong đó, có 194.017 thanh niên, sinh viên, học sinh được tập hợp, trở thành hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam; 74.327 thanh niên, sinh viên, học sinh qua quá trình rèn luyện đã được kết nạp Đoàn và đặc biệt có 4.926 đoàn viên ưu tú đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành những hạt giống tốt, là nguồn nhân lực quan trọng bổ sung cho công tác quy hoạch, bố trí của các cấp bộ Đoàn cũng như giới thiệu cho cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp. Đây là kết quả thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc nhất trong toàn bộ kết quả đạt được của phong trào thanh niên tình nguyện  thành phố suốt 30 năm qua, tạo động lực và cổ vũ to lớn cho phong trào trong thời gian tới.

Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 30 năm hình thành và phát triển, các chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên Thành phố đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của phong trào, tạo dấu ấn sâu đậm trong nhân dân Thành phố và tuổi trẻ cả nước; tập hợp đông đảo thanh niên, phát huy vai trò xung kích của thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và đất nước; đồng thời tạo động lực để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi Thành phố. Thông qua các chiến dịch tình nguyện hè, vai trò, hình ảnh của tổ chức Đoàn, Hội được giới thiệu rộng rãi và đạt hiệu quả cao.

Những thành quả đạt được càng củng cố vững chắc thêm cơ sở thực tiễn cũng như lý luận và là động lực mạnh mẽ để Thành Đoàn Thành phố tiếp tục triển khai Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè trong nhiều năm tới.

Hồng Giang (TTXVN)
Thanh niên tình nguyện hỗ trợ cấp căn cước công dân, định danh điện tử và chữ ký số
Thanh niên tình nguyện hỗ trợ cấp căn cước công dân, định danh điện tử và chữ ký số

Sáng 9/6, Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội chủ trì lễ ra quân 88 đội tình nguyện hỗ trợ cấp căn cước công dân và kích hoạt định danh điện tử, cung cấp chữ ký số và chuẩn hóa thông tin thuê bao miễn phí cho cán bộ, đoàn viên thanh niên Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN