Theo đài Sputnik, trong số các hình ảnh và video ghi lại hoạt động rút quân Mỹ với khoảng 700 quân nhân và trang thiết bị khỏi Somalia hoàn thành vào ngày 17/1, giới quan sát đã phát hiện ra một số hình ảnh hiếm hoi về một phương tiện hiếm gặp.
Đó là máy bay phản lực King Air thường được các nhà thầu sử dụng. Tuy nhiên, mã số đăng ký dân dụng in trên thân máy bay không trùng khớp với bất kỳ con số nào được đăng ký tại Cơ quan Hàng không Liên Bang (FAA). Các loại máy bay kiểu này thường được gọi là “máy bay ma”.
Chiếc phản lực King Air là sản phẩm của nhà sản xuất Beechcraft được sử dụng với nhiều mục đích bao gồm cả chở khách lẫn tác chiến.
Theo trang mạng The Drive, số hiệu N27557 được nhìn thấy trên chiếc phản lực King Air không xuất hiện trong danh sách mã hiệu đăng ký của FAA. Một công ty có tên gọi Gloom Aviation đã trả tiền “để dành” mã số này trong một năm, tính từ tháng 6/2020.
Sau khi rà soát các văn phòng của công ty Gloom Aviation tại bang Nam Carolina, trang The Drive phát hiện công ty đó chỉ là một cơ sở làm giấy. Tuy nhiên, công ty này còn đăng ký hai mã số máy bay khác được sử dụng tại Iraq.
Dựa trên những hình ảnh đăng tải, giới quan sát còn nhận thấy chiến phản lực King Air đã được sửa đổi nhiều. Cụ thể, chiếc máy bay được trang bị thêm ăng-ten, mái che máy radar và các cổng camera biểu thị khả năng máy bay được sử dụng trong các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như chỉ huy và điều khiển các lực lượng trên bộ.
Ngày 4/12/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Donald Trump đã ra lệnh cho cơ quan này rút gần hết binh lính Mỹ đang đồn trú tại Somalia vào đầu năm 2021. Mặc dù đến giữa tháng 1/2020, Mỹ tuyên bố đã hoàn tất việc rút quân song quyết định của chính quyền Tổng thống Trump về việc chấm dứt chiến tranh ở Somalia không được lòng các chỉ huy tại Lầu Năm Góc, đặc biệt là từ Bộ Chỉ huy Châu Phi của Mỹ.
Một số chuyên gia nhận định Mỹ hoàn tất rút quân trong thời điểm tình hình an ninh tại Somalia rất xấu, trong đó nhóm cực đoan Al-Shabaab có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã cải thiện kỹ năng chế tạo bom và tiếp tục tấn công các mục tiêu dân sự ở thủ đô Mogadishu, trong khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa nước này sẽ tiến hành bầu cử.
Lực lượng Mỹ ở Somalia chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng của Somalia trong các hoạt động chống khủng bố.