Mi-35P chính là bản sửa đổi mới nhất của trực thăng huyền thoại Mi-24 "Cá sấu", ra đời cách đây hơn 50 năm. Không phải vô cớ mà các nhà phát triển đặt tên cho Mi-35P cải tiến là “Phoenix” vì mẫu trực thăng này kế thừa tất cả những ưu điểm của Mi-24, song đã khắc phục được nhiều khiếm khuyết.
Trông hình thức bên ngoài, máy bay không khác gì chiếc M-24 cũ song về cấu trúc nó đã thay đổi đáng kể. Mi-35P được trang bị hệ thống giám sát và ngắm bắn liên tục nâng cấp với hình ảnh màu với độ phân giải rõ nét hơn. Hệ thống lái kỹ thuật số mới cải thiện khả năng điều khiển và tăng độ ổn định của trực thăng. Chân gập giúp máy bay có thể đạt tốc độ tối đa tới hơn 335 km/giờ.
Tổ hợp vũ khí trên Mi-35P bao gồm pháo tự động nòng đôi cũ GSh23M 23mm và ống pháo GSh23M lắp trên gá, với cơ số 250 viên đạn; tên lửa không điều khiển S-8 hoặc S-13 122mm, tên lửa dẫn đường bằng laser Ataka hoặc Vikhr, tên lửa không đối không, bom nặng tới 500 kg, cũng như súng máy 12,7 mm với 400 viên đạn.
Trực thăng Mi-35P "Phoenix" có thể được sử dụng để diệt xe tăng và xe bọc thép, cũng như chở 8 lính dù khi đổ bộ. Theo chuyên gia Vasily Kuzmin của “Trực thăng Nga”, buồng lái máy bay được bọc thép và máy báy có hốc để lắp hệ thống phòng thủ "President-S", được thiết kế để bảo vệ trực thăng trước các tên lửa phòng không, tên lửa không đối không, cũng như pháo cao xạ.
Trong khi đó Mi-28NE là bản xuất khẩu của Mi-28N “Thợ săn đêm” đã đưa vào sử dụng trong quân đội Nga. Trực thăng được thiết để có thể tác chiến ngày cũng như đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Nhờ có radar trên đỉnh cánh quạt, trực thăng có thể bay tầm thấp tránh radar của đối phương. Cánh quạt làm bằng composite với thiết kế lưỡi đặc biệt giúp tăng khả năng nâng của trực thăng đồng thời có thể chịu được đạn 30mm.
Tên lửa laser có điều khiển chống tăng của trực thăng có thể xuyên phá lớp thép dày 800mm phía sau lớp bảo vệ chủ động. Tầm bắn tối đa của tên lửa là 6km. Trực thăng có thể mang 16 tên lửa loại này, hoặc 12 tên lửa có điều khiển Vikhr, hay 8 tên lửa chống tăng Khrizantema cực mạnh, có thể xuyên phá lớp thép dày 1,2m. Tên lửa Khrizantema có thể điều khiển băng hệ thống Laser với tầm bắn tới 10km, hay kết hợp với hệ thống radar treo trong điều kiện thời tiết xấu. Trực thăng cũng có thể mang 8 tên lửa Verba tầm bắn 6km, hay tên lửa không đối không tầm bắn 20km để chống lại các đối thủ trên không.
Trực thăng vận tải quân sự nâng cấp Mi-171Sh Storm cũng rất đáng chú ý. Đây là dòng trực thăng được thiết kế cho lực lượng đặc nhiệm thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố. Trực thăng sử dụng động cơ công suất lớn hơn, hệ thống cánh quạt composite mới, hệ thống bay và dẫn đường tích hợp, và quan trọng nhất là nâng cấp các hệ thống vũ khí và phòng thủ.
Thùng chứa nhiên liệu của Mi-171Sh Storm được gia cố thêm lớp giáp bảo vệ. Đặc biệt, hệ thống phòng thủ trên máy bay (ODS) có thể phát hiện tên lửa phòng không và gây nhiễu các hệ thống tên lửa vác vai (MANPADS). Cải tiến này có thể phát hiện các tên lửa đầu dẫn hồng ngoại và nhiệt bay tới và hóa giải chúng bằng thiết bị gây nhiễu và bẫy nhiệt. ODS cũng có thể phát hiện radar của đối phương, xác định hướng chiếu, loại radar và chế độ hoạt động của chúng. ODS còn có tính năng cải tiến là thả khói aerosol để ngụy trang việc đổ quân.
Lớp giáp bảo vệ kết hợp giữa titan với aramid và các giải pháp kết cấu khác giúp tăng độ bền và an toàn khi chiến đấu. Binh sĩ trong khoang chở hàng, cũng như các chi tiết quan trọng nhất và phi hành đoàn đều được giáp bảo vệ. Trực thăng được trang bị đại liên Kord 12,7mm nhằm tăng cường phạm vi hỏa lực. Ngoài tên lửa không điều khiển và bom các cỡ, trực thăng còn được trang bị tên lửa dẫn đường ứng dụng hệ thống quan sát và nhắm mục tiêu, cho phép chống lại các mục tiêu trên không, trên mặt đất, tiêu diệt các hỏa điểm và xe bọc thép của đối phương.
Cũng tại Army 2021, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tổng công ty Kalashnikov, ông Andrey Semenov cho biết sẽ hoàn tất việc tương thích tên lửa chống tăng có điều khiển Vikhr-1 vào máy bay không người lái (UAV) tầm xa do công ty Kronstadt chế tạo cuối năm nay. Tên lửa dẫn đường Vikhr-1 có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa tới 10 km, đạt tốc độ hơn 600 m/giây. Đầu đạn của tên lửa có thể xuyên thủng vỏ thép dày 750mm phía sau hệ thống bảo vệ chủ động. Kalashnikov cũng phát triển bản nâng cấp đầu tiên của tên lửa không đối không không điều khiển (NAR) thuộc họ S-8 gọi là S-8L, đồng thời giới thiệu thêm UAV MDP-01 kiểu trực thăng lắp 3 tên lửa S-8L dưới thân.
Cuối cùng Zala Aero, công ty con trong thành phần Kalashnikov cho biết họ đang phát triển phiên bản sử dụng trên biển của UAV tấn công KUB-UAV, vốn sẽ trở thành mẫu UAV đầu tiên của Nga thuộc loại này. Ông Nikita Khamitov, người đứng đầu các dự án đặc biệt của Zala Aero cho biết: “Khả năng sử dụng trên các tàu vận tải, xuồng đổ bộ cao tốc và các tàu chuyên dụng, giúp tăng đáng kể khả năng chiến đấu”.
Theo Zala Aero, UAV này đạt tốc độ bay tối đa từ 80-130km/giờ. Thời gian hoạt động là 30 phút, trọng tải tối đa 3 kg. Các UAV này có thể phát hiện mục tiêu và sau đó tấn công theo quỹ đạo thẳng đứng. Ngoài ra, theo ông Khamitov, doanh nghiệp cũng đã phát triển một chiến thuật tấn công “bầy đàn” mới bằng loại UAV “Kamikaze” này.