Cảnh quay gây chú ý nhất trong video ca nhạc ra mắt ngày 1/1 là hình ảnh chiếc lá cây bạch quả (ginkgo) và một con chim bên cạnh. Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng chúng đại diện cho hai mẫu mới của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6.
Trước đó, vào ngày 26/12/2024, trên mạng xã hội Trung Quốc đã lan truyền hình ảnh và video về cuộc bay thử nghiệm loại chiến đấu cơ mới, có hình dạng nhiều tương đồng với lá ginkgo. Do đó, tờ Defense Times (Trung Quốc) đã dùng thuật ngữ “lá ginkgo” để ngụ ý về chiến đấu cơ mới đang trong quá trình thử nghiệm của nước này.
Ngày 27/12/2024, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định chiến đấu cơ mới này thực sự giống một chiếc lá.
Trong khi mạng xã hội và truyền thông “sục sôi” về chiến đấu cơ mới, thì quân đội Trung Quốc lại không hề lên tiếng để xác minh về các video, hình ảnh được chia sẻ hoặc ra tuyên bố chính thức.
Không lâu sau chiến đấu cơ “lá ginkgo”, một video khác xuất hiện trên mạng xã hội ngày 26/12/2024 lại cho thấy hình ảnh về loại chiến đấu cơ khác được thử nghiệm. Nó dường như có kích thước nhỏ hơn so với chiến đấu cơ “lá ginkgo”.
Nhiều cư dân mạng cho rằng hình ảnh chiếc lá gingko và con chim trong video ca nhạc của PLA là đại diện cho 2 mẫu mới thuộc dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Trung Quốc. Một chiếc có thiết kế tựa chiếc lá gingko, chiếc còn lại hao hao con chim trong bức ảnh.
Không chỉ dư luận Trung Quốc, truyền thông nước ngoài cũng khá quan tâm đến thông tin về 2 chiến đấu cơ mới này. Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 27/12/2024 đưa tin rằng chúng đều mang đặc điểm tàng hình. Cả hai đều không có đuôi, đồng nghĩa với việc chúng không trang bị bộ ổn định thẳng đứng để duy trì kiểm soát. Do đó, chúng thường được giữ ổn định bằng máy tính. Reuters nhận định, cả hai chiến đấu cơ này đều không có góc 90 độ đặc trưng nhằm qua mặt radar của phi cơ tàng hình.
Tờ Washington Times trích dẫn lời các nhà phân tích quốc phòng nhận định 2 thiết kế mới này có thể là “chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 6 tiên tiến đầu tiên của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, tờ Washington Times lưu ý rằng Lầu Năm Góc vẫn giữ im lặng, với Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh ngày 27/12/2024 chia sẻ rằng bà đã đọc bản tin nhưng từ chối bình luận về các cuộc thử nghiệm bay này của Trung Quốc.
Trong khi đó, trang tin Warzone (Mỹ) trích dẫn các nguồn giấu tên cho biết chiến đấu cơ lớn hơn là của Tập đoàn máy bay Chengdu, trong khi máy bay nhỏ hơn do Tập đoàn máy bay Shenyang sản xuất. Tập đoàn Chengdu vốn là đơn vị đã chế tạo chiến đấu cơ hạng trung đa nhiệm J-10 và chiến đấu cơ tàng hình J-20, trong khi Shenyang chịu trách nhiệm sản xuất các chiến đấu cơ như J-15 trên tàu sân bay, J-16 hạng nặng và J-35 có khả năng tàng hình.
Mỹ cũng đang phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu của nước này. Tuy nhiên, Không quân Mỹ quyết định để chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump tự ra quyết định về con đường phía trước cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, Defense News đưa tin, vào mùa Hè 2024, Không quân Mỹ đã tạm dừng nỗ lực phát triển và chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 do lo ngại về chi phí tiềm ẩn.
Anh, Italy và Nhật Bản cũng đang phối hợp phát triển một chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến, trong khi đó, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang thực hiện dự án chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của riêng họ.
Chuyên gia quân sự Fu Qianshao ngày 1/1 nói với tờ Global Times rằng chiến đấu thế hệ thứ sáu đã trở thành yếu tố quan trọng mà các cường quốc đang cạnh tranh để đạt được. Cùng ngày, chuyên gia quân sự Song Zhongping đánh giá rằng việc Trung Quốc phát triển máy bay quân sự mới, được cho là máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, nhanh hơn Mỹ, sẽ giúp Bắc Kinh có thêm thời gian quý báu để phát triển kinh tế.
Cả hai chuyên gia Fu và Song đều đề cập đến một cột mốc gần đây khác trong quá trình phát triển quân sự của Trung Quốc, đó là việc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ đầu tiên trên thế giới, tàu lớp 076 Sichuan vào ngày 27/12/2024.