Trước đó, theo tờ The Drive, Không quân Mỹ có thể triển khai chiến đấu cơ tàng hình hiện đại F-22 và F-16CJ Vipers để “át vía” và qua mặt lưới lửa phòng không tại Syria, nhằm đối phó hệ thống tên lửa đất đối không S-300 Nga vừa chuyển giao cho chính quyền Damascus.
Trao đổi với Sputnik, giới quan sát phòng thủ cho rằng chắc chắn Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để thu thập thêm thông tin về S-300 trên mặt trận thực bằng cách triển khai F-22. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là F-22 thực sự được tự do làm theo ý mình tại Syria.
Video cận cảnh F-22 hành động (nguồn: BI):
Sergei Sudakov, Giáo sư thuộc Học viện Khoa học Quân sự, giải thích: “Chiến lược của Mỹ sử dụng F-22 đối phó với mạng lưới phòng không sẽ có thể diễn ra như sau: Một hoặc một vài chiếc F-22 xâm nhập vùng phủ sóng của đối phương mà không bị phát hiện. Sau đó họ sẽ bật hệ thống triệt tiêu sóng vô tuyến điện tử và gây nhiễu hệ thống định vị của đối phương. Đồng thời họ không kích nhằm vào hệ thống radar, bệ phóng, bộ phận chỉ huy hệ thống phòng không của quân địch. Sau khi phá được hệ thống phòng thủ, một phi đội máy bay ném bom xuất kích hoàn thành nốt nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu quân địch. Đến lúc này, hệ thống phòng không của địch hoàn toàn không có khả năng chống đỡ. Tuy nhiên, tất cả kịch bản này chỉ vẽ ra trên giấy mà thôi”.
Theo vị chuyên gia này, ngay cả khi hệ thống radar của S-300 không phát hiện ra F-22, thì máy bay tàng hình của Mỹ vẫn sẽ hiện diện ngay khi kích hoạt hệ thống triệt tiêu vô tuyến điện tử. Một khi điều đó xảy ra, hệ thống điều khiển trên mặt đất của S-300 sẽ có thể định vị nguồn phát ra bức xạ và phóng tên lửa đối không đuổi theo nó.
Trong viễn cảnh này, điều duy nhất mà phi công F-22 có thể làm để đảm bảo an toàn là quyết định vùng hoạt động chính xác của hệ thống phòng không kẻ địch. Và một lần nữa, S-300 là một hệ thống di động, có thể nhanh chóng di chuyển và triển khai tại một vị trí mới. Điều đó có nghĩa là không hề có cái gọi là máy bay tàng hình hoàn toàn.
“Khả năng bị lộ của F-22 trên radar rất thấp là sự thực. Tuy nhiên, nếu tuyên bố máy bay này hoàn toàn vô hình trước hệ thống radar của S-300 thì là quá khoa trương. Có thể nó khó phát hiện tại băng tần S nhưng tại tần số rất cao VHF, F-22 lại được nhìn thấy rất rõ ràng”, phóng viên quân sự Mikhail Khodaryonok có 29 năm kinh nghiệm nghiên cứu về hệ thống phòng không Nga giải thích.
Theo ông Khodaryonok, việc truyền thông Mỹ đề cập đến khả năng hạ bệ S-300 của Nga chỉ là chủ đề “vô nghĩa”.
“Hiện tại đó chỉ là một cuộc khẩu chiến. Tôi khẳng định chắc chắn cả Israel hay Mỹ đều sẽ không tấn công S-300 trong khi quân nhân Nga vẫn còn đang làm nhiệm vụ ở đó, huấn luyện binh sĩ Syria. Tuy nhiên, họ có thể tìm cách phá hủy hệ thống ngay sau khi hệ thống được chuyển giao hoàn toàn cho quân đội Syria tiếp quản”, vị quan chức quân sự về hưu thừa nhận.
Nhà quan sát quân sự thuộc đài Sputnik Andrei Kotz nhận định: Lầu Năm góc vẫn phải cân nhắc thật kỹ trước khi “ném máy bay tối tân nhất của mình vào hệ thống phòng không như S-300. Việc duy trì danh tiếng của một loại vũ khí trong cuộc chiến thực sự là một con dao hai lưỡi”.