Trong tháng 10, truyền thông Trung Quốc đã đăng hình ảnh về hai chiếc J-20 trong một cuộc tập trận. J-20 có thể đạt tốc độ tối đã Mach 2, hoạt động ở độ cao 18,2km.
J-20 lần đầu bay thử trong năm 2011 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017. Ước tính hiện có 50-60 chiếc J-20 đang hoạt động trong quân đội Trung Quốc. J-20 có thể chở theo 4 tên lửa không đối không và 2 tên lửa tầm ngắn.
Trong khi đó, F-22 Raptor bay thử lần đầu năm 1997 và phiên chế năm 2005, có thể chở theo 6 tên lửa không đối không và hai tên lửa tầm ngắn. Ngoài ra, F-22 còn có pháo quay cỡ nòng 20mm dành cho chiến đấu ở cự ly gần.
Một yếu điểm của J-20 là động cơ. Ban đầu Trung Quốc sử dụng động cơ Saturn AL-31 của Nga dành cho tiêm kích tàng hình này. Sau đó, Trung Quốc chuyển sang động cơ sản xuất nội địa WS-10 nhưng vẫn bị coi là không đáng tin tưởng.
F-22 đã bị dừng sản xuất từ năm 2011, còn Trung Quốc vẫn tiếp tục chương trình cải tiến J-20. Điều này cho thấy chiếc J-20 có thể thay đổi và nâng cấp động cơ tiên tiến hơn.
Tuy đã bị ngừng sản xuất nhưng chiếc F-22 hiện vẫn được nâng cấp phần mềm và phần cứng. Ngoài ra, F-22 không chinh chiến đơn độc mà thường đồng hành cùng F-15 và F-16 của Không quân cùng F/A-18 thuộc Hải quân và cả F-35 tân tiến.
Tên lửa tầm dài trên J-20 có phạm vi hoạt động 200 m và khả năng đạt tốc độ Mach 4, vượt qua tên lửa không đối không AIM-120 trên F-22 với tầm bắn 160km.
Business Insider cho biết Trung Quốc đã tập trung nỗ lực để tạo chiến đấu cơ có khả năng đối đầu với Mỹ. Thiết kế của chiếc J-20 không tập trung vào chiến đấu ở cự ly gần mà quan trọng về năng lực xử lý chiến đấu cơ của kẻ địch ở khoảng cách xa bằng tên lửa.
Nhà nghiên cứu quân sự Timothy Heath tại tập đoàn Rand (Mỹ) đánh giá: “Thay vì hai chiến đấu cơ đối đầu nhau, những tiêm kích này được thiết kế để phóng tên lửa ở khoảng cách xa, khai hỏa khi chưa bị phát hiện”.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đang phát triển loại chiến đấu cơ hạng nhẹ FC-31.