Kết luận này được đưa ra trong báo cáo mà Văn phòng Thẩm định Trách nhiệm Chính phủ (GAO) trình bày trước Quốc hội trong ngày 12/12.
Báo cáo của GAO cho biết: “Các vấn đề phát sinh liên quan đến lượng nhiệt tăng thêm làm tăng độ mài mòn và giảm tuổi thọ của động cơ, khiến chi phí bảo trì vòng đời của máy bay dự kiến tăng thêm 38 tỷ USD”.
Bên cạnh đó, chương trình phần mềm Block IV trị giá 10 tỷ USD nhằm hiện đại hóa máy bay, giúp nó đáp ứng những thách thức từ các quốc gia cạnh tranh như Nga và Trung Quốc trong thập kỷ tới cũng gặp trục trặc và dự kiến có giá cao hơn 60% so với mức giá đắt đỏ ban đầu.
F-35 Lightning II (Tia chớp) là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích phối hợp (JSF) một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như yểm trợ cận chiến, ném bom chiến thuật... F-35 được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác như Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman.
JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất của Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thể hiện qua số lượng máy bay dự tính chế tạo trong khoảng thời gian tới năm 2035 lên tới hàng nghìn chiếc, trung bình dự kiến chế tạo hơn 100 chiếc mỗi năm.
Sau gần 20 năm phát triển và chế tạo, chương trình tiêm kích F-35 vẫn đang vật lộn để thoát khỏi những vấn đề kỹ thuật liên miên không có hồi kết. Mới đây nhất, đầu tháng 3, Văn phòng Chương trình Hỗn hợp F-35 đã ra thông báo yêu cầu toàn bộ các tiêm kích F-35 phải được sửa lỗi trong vòng 90 ngày. Lệnh thu hồi được áp dụng cho gần 900 chiếc F-35 được nhà thầu Lockheed Martin giao hàng cho toàn cầu, bao gồm một số tiêm kích đang ngừng bay sau vụ rơi F-35 ở căn cứ Fort Worth tại Texas hôm 15/12/2022.