Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã khuyến khích Ankara từ bỏ hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất để quay trở lại chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thế hệ thứ năm trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước. Quan điểm của bà Nuland đang gây xôn xao dư luận, nhưng giới quan chức ở Ankara hầu như không hề lay động trước tuyên bố này.
Phản ứng về lời kêu gọi trên của bà Nuland, một sĩ quan cấp cao Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết “không có thay đổi” trong quan điểm Ankara về vấn đề này. Ông nói với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ: “Ở giai đoạn này, những tuyên bố của Mỹ nên được coi là một cử chỉ thiện chí”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình quốc tế về sản xuất F-35 vào năm 2020 theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vì mua S-400. Quốc hội Mỹ đã thông qua CAATSA vào năm 2017 để xử phạt bất kỳ quốc gia nào thực hiện các giao dịch quốc phòng quan trọng với Nga.
Tuy nhiên, có những yếu tố mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.
Thứ nhất, tại sao Mỹ đề nghị cung cấp F-35 vào thời điểm này? Lời đề nghị của Washington được đưa ra khi có động lực mới xuất hiện trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực lân cận của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Ankara phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với Quốc hội rằng họ sẽ bán những chiếc F-16 Block 70 tiên tiến cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như hỗ trợ Ankara nâng cấp những chiếc F-16 hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ. Gói hàng này ước tính trị giá 23 tỷ USD, bao gồm hàng trăm tên lửa cùng hệ thống cảm biến hiện đại và Quốc hội Mỹ khó có thể phản đối.
Thông qua lời đề nghị quay trở lại chương trình F-35, Washington giờ đây dường như đang kéo Ankara xích lại gần hơn với phương Tây. Sau cuộc tấn công vào ngày 7/10 năm ngoái của Hamas nhằm vào Israel và cuộc chiến đẫm máu của Israel chống lại nhóm này ở Gaza, không có đối tác nào khác của Mỹ ở Trung Đông ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế về cả về "chất và lượng" để ngăn cản ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Iran.
Với các cuộc tấn công mới nhất của lực lượng Houthis ở Yemen và các nhóm thân Iran ở Iraq nhằm vào quân đội Mỹ, Washington đang có những bước đi thận trọng để tránh bị lôi kéo sâu hơn vào Trung Đông vào thời điểm nước này vẫn đang vướng vào cuộc xung đột ở Ukraine và cảnh giác về nguy cơ bùng phát căng thẳng với Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh này, Mỹ có thể đang hy vọng khiến Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là bức tường thành trong khu vực chống lại Iran bằng cách đề nghị đổi S-400 của Ankara lấy F-35. Tuy nhiên, Ankara sẽ không muốn chống lại Iran một cách không cần thiết trừ khi lợi ích sống còn của nước này bị đe dọa. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tuy là đối thủ địa chính trị nhưng cũng là đối tác thương mại và du lịch.
Thứ hai, có thể vượt qua được sự ngờ vực lẫn nhau không? Vấn đề phức tạp hơn nữa là cảm giác mất lòng tin sâu sắc đối với Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ do một loạt vấn đề. Ankara và Washington vẫn mâu thuẫn về việc Mỹ hỗ trợ các nhóm vũ trang người Kurd ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cũng như điều mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là Mỹ không quan tâm đến những lo ngại về an ninh của họ.
Câu hỏi về F-35/S-400 gắn liền trực tiếp với những lo ngại đó. Khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được tổ hợp S-400 đầu tiên và duy nhất từ Nga vào năm 2019, Mỹ đã tạm dừng giao lô F-35 đầu tiên cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và áp đặt các lệnh trừng phạt. Chẳng bao lâu sau, hàng chục công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất linh kiện F-35 đã bị loại khỏi chương trình, khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu.
Tệ hơn nữa, Washington còn tỏ ra dè dặt trong việc hoàn trả cho Ankara số tiền 1,8 tỷ USD mà nước này đã chi cho chương trình F-35. Như một biện pháp tạm thời, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu về F-16 vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, Mỹ đã ràng buộc việc mua bán đó với việc Thụy Điển gia nhập NATO khi quốc gia Bắc Âu này đăng ký làm thành viên khoảng sáu tháng sau đó.
Do đó, có thể dự báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sự ngờ vực tương tự về việc bán F-16. Khó có khả năng Ankara sẽ quay lại đàm phán F-35 khi Washington có thể dễ dàng làm chậm hoặc ngừng việc giao F-16 hoặc tịch thu các khoản thanh toán của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó có lẽ là lý do, bên cạnh việc nhắc đến F-35, bà Nuland còn cam kết cung cấp nhanh chóng các trang thiết bị hiện đại hóa F-16 cũng như những chiếc F-16 mới.
Thứ ba, chuyển S-400 cho ai? Vấn đề từ bỏ khẩu đội S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm mấu chốt khác. Không rõ thỏa thuận cấp phép người dùng cuối (EULA) với Nga cụ thể thế nào, nhưng chắc chắn rằng Ankara không thể bán hệ thống này cho bất kỳ quốc gia nào mà không tham khảo ý kiến của Moskva trước.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển cho đồng minh khu vực của mình là Azerbaijan vì nước này đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và vận hành các hệ thống do Nga sản xuất, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu Moskva có cho phép một động thái như vậy hay không.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không cẩn thận trong vấn đề trên, nước này có thể có nguy cơ bị Nga trả đũa không mong muốn về một loạt vấn đề. Không giống như Mỹ và các nước châu Âu, vốn chủ yếu theo đuổi các biện pháp trừng phạt hạn chế khi có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẵn sàng áp đặt các biện pháp trên diện rộng về thương mại năng lượng và nông nghiệp với Thổ Nhĩ Kỳ khi hai bên có tranh chấp, như đã làm trong giai đoạn 2015-2016.