Những nguyên nhân chính khiến Mỹ không vội cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine

Lầu Năm Góc cho rằng Ukraine có những nhu cầu cấp thiết khác hơn ATACMS và lo ngại việc gửi đủ vũ khí tới Ukraine để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự sẵn sàng của Mỹ đối với các cuộc xung đột tiềm tàng khác.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ khai hỏa ATACMS trong một cuộc thử nghiệm tên lửa. Ảnh: DVIDS

Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ mới đây cho biết, chính quyền Biden đang giữ vững lập trường, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, về việc từ chối gửi tên lửa tầm xa ATACMS (Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân - Army Tactical Missile System) tới Ukraine bất chấp áp lực ngày càng tăng từ các nghị sĩ Mỹ và đề nghị từ Kiev.

Ban đầu, sự thất vọng về tốc độ phản công chậm chạp của Ukraine và tuyên bố không rõ ràng của Tổng thống Joe Biden đã dẫn đến suy đoán rộng rãi rằng các tên lửa trên sẽ sớm được viện trợ như các hệ thống vũ khí khác của Mỹ trước đây.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Biden dường như đã thay đổi quyết định “không” trước đây của mình về khả năng cung cấp ATACMS. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết rằng ông và người đồng cấp Mỹ đã nói về tên lửa ATACMS, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

Nhưng các quan chức quốc phòng và hành chính Mỹ liên quan đến vấn đề này nói rằng "không có thay đổi nào trong chính sách của Washington và không có cuộc thảo luận thực chất nào về vấn đề này trong nhiều tháng". 

Lầu Năm Góc cho rằng Kiev có những nhu cầu cấp thiết khác hơn ATACMS và lo lắng rằng việc gửi đủ vũ khí tới Ukraine để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự sẵn sàng của Mỹ đối với các cuộc xung đột tiềm tàng khác.

Các quan chức Mỹ cho biết số lượng ATACMS trong kho dự trữ của họ là cố định, chờ thay thế bằng Tên lửa tấn công chính xác tầm xa thế hệ tiếp theo, được gọi là Prism, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Tập đoàn Lockheed Martin vẫn sản xuất 500 tên lửa ATACMS mỗi năm, nhưng tất cả số lượng đó đều được dành để bán cho các quốc gia khác.

Ukraine cho rằng ATACMS, với tầm bắn lên tới 400km, là thiết yếu để tấn công các sở chỉ huy và khu vực hậu cần ở phía sau tiền tuyến của Nga. “Không có vũ khí tầm xa, rất khó để thực hiện một nhiệm vụ tấn công hay tiến hành một chiến dịch phòng thủ”, ông Zelensky nói trong một cuộc họp báo ngày 7/7 ở Praha (CH Séc).

ATACMS sẽ cho phép các lực lượng Ukraine nhắm mục tiêu vào những khu vực xa nhất ở Crimea từ tiền tuyến hiện tại của họ, bao gồm cả cây cầu Kerch và căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol.

Khi được hỏi tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng điều gì đứng đầu danh sách nhu cầu an ninh của Ukraine, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, cho biết: “Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Tại thời điểm này, rất rõ ràng và dễ hiểu. Chúng tôi cần và đang chờ quyết định về ATACMS”.

Áp lực chuyển giao 

Ukraine đã kêu gọi những người ủng hộ họ trong Quốc hội Mỹ - nhiều người trong số họ đã đến thăm Kiev hoặc gặp gỡ ở nơi khác với Tổng thống Zelensky và các quan chức chính phủ Ukraine khác - và các nghị sĩ Mỹ ngày càng gây áp lực với chính quyền Biden phê duyệt việc chuyển giao tên lửa.

Chú thích ảnh
Ukraine đã nhiều lần đề nghị Mỹ chuyển giao ATACMS. Ảnh: Kyivindependent

Tháng trước, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ đã đề xuất bao gồm các quỹ để gửi ATACMS tới Ukraine trong dự thảo ngân sách quốc phòng và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua một nghị quyết lưỡng đảng kêu gọi Washington cung cấp tên lửa “ngay lập tức”.

Trong khi đó, quyết định gửi bom chùm tới Ukraine của Mỹ đang gây tranh cãi vì những nguy hiểm với dân thường. 

Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ James E. Risch và Roger Wicker, các đảng viên Cộng hòa có uy tín trong các ủy ban Đối ngoại và Quân lực của Thượng viện, ra tuyên bố cho biết việc chuyển giao ATACMS, cùng với gói vũ khí và máy bay F-16, là "quan trọng" đối với thành công của Ukraine.

Kể từ năm ngoái, chính quyền Biden đã viện dẫn một số lý do để trì hoãn cung cấp ATACMS. Việc từ chối ban đầu tập trung vào những lo ngại rằng Ukraine có thể bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga, leo thang xung đột thành đối đầu Mỹ - Nga. 

Anh và Pháp gần đây đã cung cấp các tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 220 km - phạm vi gần gấp ba lần so với những gì trước đây đã cung cấp cho Ukraine, nhưng kém khoảng 80 km với tầm bắn của ATACMS - sau khi phối hợp đưa ra các quyết định với Mỹ.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng những vũ khí này sẽ được Ukraine sử dụng phù hợp với” các thỏa thuận “không tấn công lãnh thổ Nga”.

Sự xuất hiện gần đây của tên lửa Storm Shadow của Anh và tên lửa SCALP của Pháp có nghĩa là Ukraine ít cần ATACMS hơn, Tiến sĩ Colin Kahl, cựu Thứ trưởng phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc, cho biết.

Ông Kahl nói: “Vấn đề không phải là tầm bắn cách xa hàng trăm km, mà là một km phía trước họ với các bãi mìn của các lực lượng Nga, cùng với các chiến hào và bẫy xe tăng, trong các tuyến phòng thủ dọc theo chiến tuyến dài hàng nghìn km".

Theo quan điểm của chính quyền Biden, ATACMS không chỉ không thay đổi cán cân lực lượng ở Ukraine mà còn “hạn chế việc sử dụng HIMARS hoặc GMLRS”, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, đề cập đến Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao của Mỹ và Hệ thống tên lửa phóng loạt có định hướng, vốn có khả năng bắn 6 quả cùng lúc với tầm bắn gần 80 km. ATACMS cũng được bắn ra từ HIMARS, nhưng mỗi lần chỉ một quả.

“Số lượng [ATACMS] có sẵn để xuất khẩu rất hạn chế và đối với tầm bắn xa hơn GMLR, Ukraine đã được cung cấp Storm Shadows và SCALPS”, quan chức quốc phòng Mỹ nêu rõ. 

ATACMS là hệ thống tên lửa dẫn đường có giá gần 1,5 triệu USD. Được thiết kế lần đầu tiên vào những năm 1980, chúng được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến đấu trong cả Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991 và cuộc xâm lược Iraq năm 2003. 

Số lượng hạn chế của ATACMS là mối lo ngại cấp bách nhất của quân đội Mỹ. Mặc dù số lượng chính xác trong kho vũ khí của Mỹ được giữ bí mật, nhưng Lockheed Martin chỉ sản xuất khoảng 4.000 quả tên lửa cho quân đội Mỹ kể từ khi bắt đầu chế tạo, nhiều tên lửa đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến đấu, tập trận và thử nghiệm định kỳ.

Đồng thời, gần 900 tên lửa đã được bán cho các đồng minh và đối tác ở nước ngoài trong thập kỷ qua - trong đó có hơn 200 tên lửa kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, theo danh sách bán hàng quân sự nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ. ATACMS đã được bán cho đồng minh của Mỹ trong NATO, các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và những nơi xa xôi như Australia, thường kết hợp với việc bán HIMARS. Chính quyền Mỹ đã thông báo cho Quốc hội vào tháng 4 vừa qua về việc bán 40 tên lửa cho Maroc (đang chờ xử lý).

Để thực hiện các đơn đặt hàng, Lầu Năm Góc đã ký ít nhất ba hợp đồng với Lockheed Martin kể từ năm 2018, với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD, để tiếp tục sản xuất ATACMS. "Lockheed Martin hiện đang được sản xuất hết công suất với tốc độ khoảng 500 tên lửa mỗi năm tại cơ sở ở Camden, Ark", theo một phát ngôn viên của công ty. Tất cả đều dành cho các khách hàng nước ngoài.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo washingtonpost.com)
Bộ Quốc phòng Đức chỉ ra nhược điểm chính trong phản công của Ukraine
Bộ Quốc phòng Đức chỉ ra nhược điểm chính trong phản công của Ukraine

Sự chia tách các đơn vị chiến đấu và thiếu huấn luyện phù hợp có thể giải thích cho sự tiến bộ chậm chạp của lực lượng Ukraine trong phản công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN