Tờ Russia Beyond (Nga) cho biết thứ nhất, xe tăng có khả năng trực tiếp chyển nước và các hỗn hợp dập lửa đến thẳng trung tâm vụ hỏa hoạn. Xe tăng có bánh xích có thể chịu được mức nhiệt cao khi di chuyển vào khu vực hỏa hoạn. Đây được coi là lợi thế so với phương tiện trang bị lốp cao su.
Đặc điểm thứ hai là xe tăng còn có thể chèn qua các mảnh vụn cháy và do đó chia nhỏ ngọn lửa, giúp việc dập tắt dễ dàng hơn. Điểm cuối cùng là lớp giáp của xe tăng có thể bảo vệ người điều khiển khỏi các mảnh sắt và mảnh đạn, vốn là một vấn đề nan giải đối với những người lính cứu hỏa khi xử lý hỏa hoạn tại các kho quân sự.
GPM-54
GPM-54 là dòng xe tăng cứu hỏa đầu tiên tại Liên Xô. GPM-54 được sản xuất vào cuối thập niên 1970 tại nhà máy của Bộ Quốc phòng Liên Xô ở Lviv. GPM-54 được thiết kế dựa trên T-54, là một trong những xe tăng tốt nhất do Liên Xô sản xuất.
GPM-54 được trang bị thùng chứa nước tại vị trí vốn thường đặt tháp pháo. Ngoài ra, chiếc xe tăng này còn có gầu máy xúc và vòi rồng. GPM-54 có một bể bọt 1.100 lít và bể nước 9.000 lít. Khả năng cung cấp nước của GPM-54 là 40 lít mỗi giây.
Sau khi được ra mắt lần đầu vào năm 1979, xe tăng cứu hỏa GPM-54 làm nhiệm vụ tại sân bay vũ trụ Baikonur, địa điểm thuộc Kazakhstan ngày nay.
Một số xe tăng GPM-54 cũng được triển khai sau vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy năng lượng Chernobyl ngày 25/4/1986. Vào đầu thập niên 1990, GPM-54 được điều chuyển đến đơn vị cứu hỏa đặc trách về xử lý hỏa hoạn công nghiệp và tự nhiên quy mô lớn.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, GPM-54 vẫn được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ cứu hỏa tại các kho chứa vũ khí.
Mặc dù hoạt động tích cực nhưng GPM-54 vẫn tồn tại một số khuyết điểm nghiêm trọng. Một trong số đó là phương tiện này không thể đồng thời di chuyển và vận hành máy bơm nước.
Một yếu điểm khác là động cơ diesel của GPM-54 không thể chịu nhiệt cao và đôi khi dừng hoạt động giữa chừng. Đối với những người điều khiển GPM-54, việc mắc kẹt trong một phương tiện bằng kim loại với động cơ không hoạt động được coi như cơn ác mộng bởi họ không thể thoát ra bên ngoài do nhiệt độ quá cao.
SLS-100
Những điểm yếu của GPM-54 khiến các kỹ sư tạo ra một phiên bản xe tăng cứu hỏa mới được nâng cấp là SLS-100.
SLS-100 sở hữu hệ thống điều khiển từ xa nên xe tăng này hoạt động được ở địa điểm gần nơi nhiễm phóng xạ hoặc chất hóa học cũng như khu vực khắc nghiệt mà không cần người điều khiển.
Tuy nhiên, trong điều kiện cho phép, xe tăng cứu hỏa này có thể được vận hành bởi một đội gồm 2 người.
Impulse-2M
Một mẫu xe tăng cứu hỏa khác là Impulse-2M ra mắt năm 1988. Impulse-2M được sản xuất dựa trên mẫu xe tăng chiến đấu T-62 của Liên Xô.
Impulse-2M có một khẩu pháo 50 nòng phóng nhiều lần có thể phóng các bao chứa nước, cát hoặc bột chữa cháy. Impulse-2M có thể đạt vận tốc lên đến 50 km/h và mang trọng lượng khoảng 35 tấn.
Ngoài ra, Impulse-2M được lắp đặt hệ thống tưới bảo vệ thân máy không bị cháy và tăng nhiệt để loại bỏ yếu điểm tồn tại trên mẫu GPM-54.