Theo các quan chức, Nhật Bản dự kiến triển khai 100 máy bay chiến đấu mới vào năm 2035 để thay thế loạt máy bay chiến đấu F-2 đã cũ của Lực lượng Phòng vệ trên không. Trong khi đó, Anh và Italy sẽ sử dụng loại máy bay mới này thay thế 240 chiếc Eurofighter.
Chính phủ Nhật Bản cho biết Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd. của Nhật Bản và BAE Systems Plc. của Anh sẽ chịu trách nhiệm chính trong kế hoạch phát triển dòng máy bay mới này.
Trong bản tuyên bố chung, ba nước trên khẳng định "xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng lâu dài" thông qua chương trình phát triển máy bay chiến đấu. Theo tuyên bố, chương trình hợp tác không chỉ thúc đẩy "khả năng quân sự và lợi thế về công nghệ" của các nước, mà còn giúp củng cố chuỗi cung ứng và cơ sở công nghiệp quốc phòng. Ba nước chia sẻ chung tham vọng biến chiếc máy bay này trở thành "trụ cột của hệ thống không quân chiến đấu rộng lớn hơn, ứng dụng linh hoạt trên nhiều lĩnh vực".
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada đã bày tỏ hy vọng cơ hội hợp tác lần này sẽ trở thành nền tảng cho hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu.
Theo các quan chức chính phủ, Nhật Bản cũng đang xem xét xuất khẩu máy bay chiến đấu mới sang các nước khác trong tương lai. Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu vũ khí, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sửa đổi các hướng dẫn liên quan đến xuất khẩu trang, thiết bị quốc phòng khi cập nhật chính sách an ninh quốc gia vào tuần tới. Nhật Bản từ lâu đã duy trì các quy tắc nghiêm ngặt theo Hiến pháp hòa bình của nước này.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra một tuyên bố chung, trong đó Washington bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án phát triển máy bay chiến đấu của Tokyo cùng với các đối tác châu Âu.
Hai nước tuyên bố đã bắt đầu "kế hoạch hợp tác quan trọng" thông qua một loạt cuộc thảo luận về khả năng của hệ thống tự lái, có thể coi là "mảnh ghép" giúp hoàn thiện chương trình máy bay chiến đấu mới. Washington và Tokyo cho biết hai nước sẽ bắt đầu hợp tác cụ thể để đạt được mục tiêu tiếp theo. Các quan chức Nhật Bản cho biết kế hoạch này sẽ đòi hỏi việc nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái có khả năng hỗ trợ hoạt động của máy bay phản lực mới.
Ban đầu, Nhật Bản tìm cách hợp tác với các tập đoàn quốc phòng Mỹ để phát triển máy bay chiến đấu mới, nhưng đã quyết định tìm kiếm các đối tác khác do các quy định nghiêm ngặt của Mỹ về bảo mật thông tin. Ông Hamada cho biết Washington không có kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu trong cùng khung thời gian và đó là một trong những yếu tố đằng sau việc đạt được thỏa thuận với Anh và Italy.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản hợp tác với các quốc gia khác ngoài Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Nhật Bản đã và đang thúc đẩy quan hệ an ninh với các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dươn (NATO), như Pháp và Đức. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6, tại đây ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Nhật Bản và NATO để đối phó với các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.