Hai loại vũ khí được cân nhắc là laser và vũ khí siêu âm, được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ vẫn để ngỏ cửa cho các ý tưởng mới về việc nâng cấp chiếc V-22 Osprey.
Cựu lính thủy đánh bộ Mỹ và hiện là giám đốc về động cơ xoay của hãng Boeing, ông John Parker, mới đây cho biết quân đội Mỹ chào đón bất kỳ thứ gì mới trong phạm vi có thể cho phép.
Nói với tạp chí National Interest, ông Parker khẳng định: “Mọi thứ đều là lựa chọn” trong bối cảnh làn sóng khoa học viễn tưởng và các hệ thống vũ khí viễn tưởng có thể định hình lại toàn bộ khái niệm về việc vũ khí làm gì trong trận chiến. Vũ khí loại phi sát thương như sóng âm thanh chỉ là một ví dụ mà Boeing đang đề xuất với Lầu Năm góc để trang bị cho V-22 Osprey.
Ngoài ra, việc trang bị cho V-22 Osprey súng bắn tia laser cũng là một khả năng.
Phát biểu với các phóng viên trong một sự kiện truyền thông của Boeing ngoài Washington, D.C., ông Parker cho biết với laser và vũ khí siêu âm, Boeing không định biến V-22 Osprey thành một chiếc AH-64 Apache hay máy bay tấn công kiểu AH-1W Super Cobra, mà chỉ là củng cố năng lực cho “chim ưng biển”.
Với chi phí 70 triệu USD/chiếc, Boeing có thể bán cả trăm chiếc V-22 Osprey trang bị súng bắn tia laser cho các nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Nhật Bản, Israel…
V-22 Osprey kết hợp khả năng cất cánh thẳng đứng như trực thăng và lao đi như một máy bay phản lực. Theo kế hoạch năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ ban đầu định mua 458 chiếc V-22 Osprey.
Theo Sputnik, sau cuộc khủng hoảng con tin Iran, các nhà phân tích quân sự cho rằng cần một loại máy bay mới để tăng cường năng lực cho quân đội Mỹ. Lầu Năm góc muốn một máy bay cất cánh thẳng đứng tốc độ cao, có thể tham gia các sứ mệnh ở xa. Tốc độ của V-22 Osprey cho phép thực hiện các sứ mệnh thâm nhập sâu trong bóng tối.
Theo hãng Bell và Boeing, hai nhà sản xuất V-22 Osprey, chiếc máy bay này có tầm bay hơn 1.600 km.