Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, hồi tháng 9 năm ngoái, Washington được cho đã cam kết miễn trừ trừng phạt Ấn Độ vì mua hệ thống S-400 của Nga theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), đạo luật cho phép Mỹ trừng phạt kinh tế nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Moskva. Tuy nhiên, quy chế miễn trừ này đã hết hạn vào đầu tháng 5. Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cơ quan này đang làm việc về một "sự lựa chọn thay thế cho Ấn Độ".
Giá bán chi tiết của một hệ thống THAAD không được tiết lộ, song theo thông tin của hãng CNBC, mỗi hệ thống này ước tính khoảng 3 tỷ USD.
Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận với Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái mua 44 bệ phóng và tên lửa THAAD, mỗi khẩu đội gồm 6 bệ phóng - với giá 15 tỷ USD. Trong khi đó, Ấn Độ đã đồng ý chi 5,4 tỷ USD mua 5 khẩu đội S-400, mỗi khẩu đội gồm 8 bệ phóng, hồi tháng 10 năm ngoái với thời gian chuyển giao từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2023.
Trong hơn 1 năm qua, Washington cũng đang cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), từ bỏ thương vụ S-400 trị giá 2,5 tỷ USD, đe dọa ngừng bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ các chiến đấu cơ F-35 dù Ankara đã thanh toán một số hóa đơn. Mỹ cho rằng việc tích hợp hệ thống của Nga vào hệ thống phòng không rộng lớn hơn của NATO sẽ đặt ra những nguy cơ về an ninh cho các máy bay chiến đấu hàng đầu này.
Tuy nhiên, đến nay, Ankara khẳng định sẵn sàng phối hợp với Mỹ để đánh giá nguy cơ an ninh phát sinh, song kiên quyết trong việc mua hệ thống S-400.