Lý do Mỹ cắt giảm giao tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine 

Theo một báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, số lượng tên lửa chống tăng Javelin chuyển giao cho Ukraine đã giảm mạnh, càng làm nổi bật những thách thức phức tạp trong quá trình hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Chú thích ảnh
 Tên lửa chống tăng Javelin trên xe quân sự trong lễ duyệt binh tại Kiev, Ukraine, ngày 24/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Đài Sputnik của Nga ngày 17/12 đưa tin, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, một báo cáo kiểm toán mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ đã hé lộ những thay đổi đáng chú ý trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là về tên lửa chống tăng Javelin.

Mỹ đã cắt giảm đáng kể số lượng tên lửa chống tăng Javelin chuyển giao cho Ukraine sau năm 2022, trong khi báo cáo kiểm toán mới nhất từ ​​Bộ Quốc phòng Mỹ nêu chi tiết về việc các lô hàng vũ khí đầu tiên chuyển đến Kiev vào năm 2022 không được kiểm kê đúng cách.

Theo báo cáo, số lượng tên lửa Javelin cung cấp cho Ukraine đã giảm mạnh sau ngày 31/3/2023, trong khi vẫn giữ nguyên các số liệu cụ thể được tổng hợp thành thông tin mật trong biểu đồ thông tin trong báo cáo.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ đã vội vã chuyển một khối lượng lớn vũ khí, với hơn 8.500 tên lửa Javelin được cam kết chuyển giao vào tháng 8/2022. Báo cáo ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ cho năm tài chính 2023 và 2024 cho thấy tốc độ tăng trưởng mua sắm tên lửa Javelin bổ sung đã chậm lại đáng kể sau năm tài chính 2022.

Trong năm tài chính 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đã mua đột biến 7.722 tên lửa Javelin, so với kế hoạch ban đầu chỉ là 650 tên lửa. Điều này được cho là nhằm bù đắp nguồn vũ khí đã chuyển cho Ukraine.

Với năm tài chính 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã mua tổng cộng 2.871 tên lửa Javelin. Trong năm tài chính 2024, theo báo cáo ngân sách năm tài chính 2025 của Bộ Quốc phòng Mỹ, số lượng tên lửa Javelin mà Bộ Quốc phòng Mỹ mua sắm vẫn giữ nguyên so với yêu cầu ngân sách ban đầu là 1.161 quả. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất mua 2.113 tên lửa Javelin cho năm tài chính 2025, nhưng khoảng 1.500 tên lửa trong số đó được lên kế hoạch bán cho nước ngoài.

Hồ sơ từ báo cáo ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ trùng khớp với tiết lộ trong báo cáo kiểm toán của Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng về sự sụt giảm mạnh trong việc cung cấp tên lửa Javelin cho Ukraine từ năm 2022 trở đi. Số liệu từ báo cáo ngân sách của Bộ Quốc phòng  Mỹ cho thấy số lượng tên lửa Javelin mà Mỹ cung cấp cho Ukraine sau năm 2022 đã giảm hơn 70%.

Báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD OIG) cũng chỉ ra những bất cập nghiêm trọng trong quá trình quản lý và kiểm kê vũ khí. Cụ thể, 91% các mặt hàng quốc phòng chuyển cho Ukraine trong năm 2022 không nhận được bản kiểm kê ban đầu hoặc hàng năm. 

Sự sụt giảm nguồn cung tên lửa Javelin cho Ukraine có thể xuất phát từ nhiều lý do: Thứ nhất, vấn đề về quản lý kho vũ khí. Báo cáo cho biết nhiều mặt hàng quốc phòng được chuyển đến Ukraine năm 2022 hiện không còn trong tay Lực lượng vũ trang Ukraine (UAF). Các mặt hàng này có thể đã bị mất, phá hủy hoặc được sử dụng mà không có hồ sơ lưu trữ hợp lý.

Thứ hai, khả năng sản xuất hạn chế. Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ chỉ ra rằng tên lửa Javelin nằm trong danh mục các loại vũ khí có thời gian sản xuất dài nhất của quân đội Mỹ. Mặc dù vậy, nhà sản xuất Javelin Joint Venture (JJV) đã lên kế hoạch tăng sản lượng lên thêm 3.960 tên lửa mỗi năm vào cuối năm 2026.

Thứ ba, các lo ngại về việc chuyển nhượng vũ khí. Một số phương tiện truyền thông năm 2023 đã nêu ra khả năng vũ khí Mỹ cung cấp có thể bị xử lý không đúng cách hoặc được chuyển đến các bên thứ ba không mong muốn.

Mỗi tên lửa Javelin có chi phí trung bình khoảng 78.838 USD. Việc giảm viện trợ cũng có thể liên quan đến việc Ukraine bắt đầu sử dụng các loại vũ khí có chi phí thấp hơn, như thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ, giá rẻ.

Vấn đề chuyển nhượng vũ khí cũng được các nhà lãnh đạo quốc tế quan tâm. Trong một cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Angola Joao Lourenco vào tuần trước, các bên đã thảo luận về nguy cơ an ninh liên quan đến việc vũ khí từ Ukraine có thể bị buôn lậu sang các quốc gia khác.

Công Thuận/Báo Tin tức
Lầu Năm Góc: Kinh nghiệm của Ukraine đã giúp quân đội Mỹ tránh sai lầm chiến lược
Lầu Năm Góc: Kinh nghiệm của Ukraine đã giúp quân đội Mỹ tránh sai lầm chiến lược

Từ kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine trong việc sử dụng UAV và thông qua chương trình Replicator, quân đội Mỹ đang nhanh chóng điều chỉnh chiến lược công nghệ quân sự, nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng thích ứng và cập nhật nhanh chóng trong môi trường chiến tranh hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN