Khám phá tàu do thám mới của Nga khiến NATO phải e dè

Hải quân Nga hiện rất tự hào với chiếc tàu do thám mới có tên Yantar. Vậy yếu tố nào đã khiến Yantar trở thành cái tên mà Nga đặt niềm tin trong khi phương Tây liên tục để mắt?

Tàu Yantar được phiên chế vào Hải quân Nga từ năm 2015. Con tàu này dài 108 m và có sức chứa một thủy thủ đoàn 60 người. Yantar là tàu đầu tiên của Dự án 22010. Con tàu thứ hai cùng lớp có tên Almaz dự kiến sẽ sớm được đưa vào hoạt động.

Tàu Yantar của Hải quân Nga. Ảnh: BBC

Nhiệm vụ bí mật

Đài BBC (Anh) cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lắp đặt hệ thống cáp quang quân sự dưới đáy biển. Trong khi đó, chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, ông Igor Sutyagin đánh giá Yantar hoàn toàn có khả năng làm gián đoạn hoặc cắt các cáp quang này. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy Yantar có động thái như vậy.

Một báo cáo từ quốc hội Nga nhận định Yantar có thể thực hiện những nhiệm vụ bí mật sử dụng tàu ngầm nhỏ. Theo đó, Yantar được thiết kế cho hoạt động dò tìm dưới nước và có những thiết bị có thể nối với cáp thông tin bí mật.

Ông Igor Sutyagin cho biết Yantar có thể mang theo tàu ngầm nhỏ dành cho tổ lái 3 người và lặn được 6km.

Báo cáo của quốc hội Nga cho biết trong mùa hè năm 2015, tàu Yantar đã được cử đến vùng biển gần căn cứ hải quân Kings Bay của Mỹ tại Georgia. Vào thời điểm đó, các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng Yantar thu thập thông tin tình báo về các tàu ngầm Mỹ. Căn cứ Kings Bay là nơi đồn trú của 6 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Trident.

Tìm kiếm và giải cứu

Trong thời gian qua, Nga còn cử Yantar tham gia cuộc tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan của Argentina mất tích từ ngày 15/11/2017.

Trước khi gia nhập cuộc tìm kiếm tàu ngầm Argentina, Yanter đã góp mặt trong nhiều sứ mệnh tương tự khác.

Yantar từng góp phần định vị hai chiến đấu cơ của Nga là Su-33 và Mig-29 rơi xuống Địa Trung Hải năm 2016 khi tham gia chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Bên cạnh đó, Yantar còn kịp thời trục vớt thiết bị quân sự bí mật từ hai chiếc chiến đấu cơ.

Vụ tàu ARA San Juan mất tích phần nào đã khơi lại ký ức về tai nạn với tàu ngầm Kursk của Nga trong năm 2000. BBC cho rằng nếu Yantar được ra đời từ thời điểm đó, có thể tính mạng nhiều thủy thủ Nga vẫn được bảo toàn.

Hà Linh/Báo Tin tức
‘Sói đơn độc’ ủng hộ IS thản nhiên chụp ảnh giữa đường ở New York
‘Sói đơn độc’ ủng hộ IS thản nhiên chụp ảnh giữa đường ở New York

Một người đàn ông dùng bịt mặt có biểu tượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chụp ảnh selfie ngay bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) rồi đăng lên internet với chú thích: “Chúng tôi đang ở nhà của các người”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN