Tàu ngầm hạng nhẹ Qadir của Iran đỗ tại cảng Bandar Abbas ngày 28/11/2012. Ảnh: AFP |
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ), trong tháng 1 vừa qua, chính quyền Tehran đã thông báo cho tổ chức này ý định “chế tạo động cơ đẩy hạt nhân dành cho hải quân trong tương lai”.
Hãng tin AFP cho biết hiện chưa rõ lý do vì sao và làm thế nào Iran phát triển tàu hạt nhân, song điều này khiến nhiều người quan ngại Tehran sẽ sử dụng nhiên liệu hạt nhân làm giàu ở cấp độ cao cho động cơ tàu ngầm. Theo quy định trong thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với Mỹ và các cường quốc thế giới, việc sản xuất nguyên liệu hạt nhân là bị cấm. Iran cam kết từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Thông tin về dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Iran xuất hiện trong bối cảnh Tehran và Washington trong nhiều tháng gần đây ‘khẩu chiến’ quyết liệt xoay quanh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ngay từ chiến dịch vận động tranh cử và sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được coi là một thành tựu chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm.
Tháng 9/2017, trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari thông báo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử nước này đã được yêu cầu bắt đầu sản xuất các lò phản ứng hạt nhân cho hệ thống đẩy và tiếp nhiên liệu có thể được triển khai trên tàu hoặc tàu ngầm. Chuẩn Đô đốc Habibollah Sayyari cho biết tàu khu trục chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể sẵn sàng hoạt động trong vòng 1 năm tới.
IAEA cho biết Iran vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, theo cơ quan trên, động thái kiên quyết xây dựng tàu ngầm hạt nhân của Iran có lẽ là một phản ứng của nước này trước lời đe dọa của Tổng thống Trump.