Đây cũng là một phần của dự án trị giá 8.800 tỷ won (7,9 tỷ USD) được triển khai vào năm 2015 nhằm thay thế phi đội máy bay phản lực F-4 và F-5 đã lâu năm của Không quân Hàn Quốc.
Theo KAI, KF-21 ứng dụng nhiều công nghệ cao cấp khác nhau, bao gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) theo dõi nhiều mục tiêu với các thành phần tiên tiến và hiệu quả hơn; có hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) giúp phát hiện các mục tiêu bay thấp phát ra bức xạ hồng ngoại, bao gồm cả tên lửa chống hạm. Máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 sẽ được trang bị các tên lửa không đối không như AIM-2000 của Diehl của Đức và Meteor của MBDA của Anh.
Trong giai đoạn hai của dự án từ năm 2026-2028, Hàn Quốc sẽ củng cố khả năng chiến đấu không đối đất của KF-21, bao gồm các tên lửa do Raytheon Technologies, Boeing và General Dynamics của Mỹ sản xuất, cũng như các công ty trong nước như như Hanwha và LIG Nex1. Cơ quan quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) hiện cũng đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ trên không cho KF-21.
Với màu xám đặc trưng, KF-21 có chiều dài 16,9 m, là nguyên mẫu KF-21 đầu tiên được tiết lộ trước công chúng vào tháng 4/2021. Tổng cộng có 6 nguyên mẫu đã được sản xuất để sử dụng cho mục đích thử nghiệm.
Bắt đầu với chuyến bay thử nghiệm kéo dài 40 phút dự kiến trong tháng này, KAI cho biết 6 nguyên mẫu KF-21 sẽ thực hiện tổng cộng 2.000 lượt bay thử trên vùng biển phía Tây và phía Nam Hàn Quốc cho đến năm 2026.
Quốc kỳ của Indonesia được in bên dưới buồng lái (bên cạnh quốc kỳ Hàn Quốc) để biểu thị quốc gia Đông Nam Á là đối tác trong dự án máy bay chiến đấu KF-21. Indonesia tham gia 20% chương trình phát triển Giai đoạn I trị giá 8.100 tỷ won.
Hoạt động thử nghiệm tích hợp khả năng chiến đấu của KF-21 sẽ hoàn tất vào năm 2026. Hàn Quốc dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu KF-21 từ năm 2032.
Nếu dự án thành công, Hàn Quốc sẽ chính thức gia nhập một câu lạc bộ gồm 7 quốc gia hiện có máy bay chiến đấu siêu thanh được phát triển trong nước.