Một nửa số tiền này sẽ được cấp dưới dạng khoản vay dành cho chương trình mới về tên lửa đẩy Ariane 6 do Cơ quan Vũ trụ châu Âu phối hợp với tập đoàn ArianeGroup thực hiện. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) nêu rõ 100 triệu euro còn lại sẽ được hỗ trợ các sáng kiến và sự phát triển của các công ty công nghệ vũ trụ vừa và nhỏ. Ủy viên thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton nhận định hai thông báo này tượng trưng cho bước ngoặt trong việc hỗ trợ ngành vũ trụ của EU.
Cách đây 40 năm, tên lửa Ariane đầu tiên đã được phóng đi từ đảo Guiana của Pháp, cho phép châu Âu giữ vai trò độc lập trong cuộc đua hàng không vũ trụ. Kể từ đó, dự án Ariane được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ariane phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là từ doanh nghiệp Space X của Mỹ với loại tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Châu Âu đã cạnh tranh bằng việc lên kế hoạch phóng tên lửa Ariane 6 trong năm 2020. EIB nhấn mạnh Ariane 6 sẽ cho phép châu Âu tiếp tục triển khai các hoạt động phóng vào mọi quỹ đạo, từ vệ tinh địa tĩnh cho tới các sứ mệnh về quỹ đạo tầm trung và tầm thấp của Trái Đất.
Chi phí phát triển Ariane 6 ước tính vào khoảng 3 tỷ euro (3,32 tỷ USD), trong đó phần lớn tới từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Trong khi đó, 100 triệu euro sẽ được dành để hỗ trợ các doanh nghiệp vũ trụ vừa và nhỏ phát triển và sáng tạo. Chương trình này sẽ đầu tư vào các quỹ trên khắp EU, để hỗ trợ các công ty thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ trong ngành vũ trụ. Primo Space, nhà đầu tư công nghệ Italy, sẽ là quỹ đầu tiên được Quỹ Đầu tư châu Âu lựa chọn để được hưởng lợi từ chương trình.