Đằng sau việc Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tới Belarus?

Việc Nga triển khai máy bay đánh chặn MiG-31K trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (NATO định danh: AS-24 KILLJOY) tới Belarus đang thu hút sự chú ý của phương Tây.

Chú thích ảnh
Tên lửa siêu thanh Kinzhal gắn dưới bụng máy bay ném bom MiG-31. Ảnh: Eurasiantimes.com

Hôm 1/11, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố hình ảnh vệ tinh mà họ nói rằng có hai máy bay chiến đấu MiG-31K đậu tại căn cứ Machulishchi ở Belarus ngày 17/10, cùng một thùng chứa lớn trong ụ đất gần đó. Nhiều khả năng đây là thùng chứa tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Nga đã biên chế vũ khí này từ năm 2018, nhưng chưa từng triển khai đến Belarus.

Răn đe và sẵn sàng phản ứng nếu phương Tây vượt "lằn ranh đỏ"

Chuyên gia phân tích quân sự Vijainder K Thakur, cựu phi công của lực lượng không quân Ấn Độ bình luận trên trang Eurasiantimes.com rằng việc triển khai kết hợp của MiG-31K và tên lửa Kinzhal, vốn là hệ thống vũ khí thông thường mạnh nhất trong kho vũ khí của Nga, tới Belarus khiến tất cả các mục tiêu ở châu Âu và Anh, ngay cả những mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, đối mặt với rủi ro.

Ông Thakur lưu ý, bằng cách không giữ bí mật việc triển khai, Nga đang đảm bảo rằng phương Tây sẽ chú ý. Thông điệp răn đe của Nga là rõ ràng thông qua việc các máy bay MiG-31K được trang bị tên lửa Kinzhal bay qua các thành phố vào ban ngày và cho phép các vệ tinh phương Tây phát hiện.

Cụ thể vào ngày 16/10, sáu máy bay chiến đấu MiG-31K của Nga với tên lửa Kinzhal đã được phát hiện ở thủ đô Minsk của Belarus. Vào ngày 20/10, một chiếc MiG-31K trang bị Kinzhal được cho là đã cất cánh từ căn cứ không quân Machulyshchi ở Belarus. Đến ngày 1/11, Bộ Quốc phòng Anh đã xác nhận việc triển khai thông qua hình ảnh vệ tinh của họ.

Kinzhal là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không với tầm bắn hơn 2000 km khi được phóng từ MiG-31K. Tên lửa siêu vượt âm này không thể được theo dõi chính xác bằng radar vì ở tốc độ bay rất nhanh và áp suất không khí phía trước nó tạo thành một đám mây plasma hấp thụ sóng vô tuyến. Tên lửa có khả năng vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào hiện có.

Tên lửa nặng 2.000 kg với tốc độ Mach 12 có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Do có tốc độ va chạm cao, đầu đạn nặng 500 kg của tên lửa có sức công phá tương đương với 4.000 kg thuốc nổ TNT. Kinzhal lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào tháng 3/2022 khi tấn công một kho nhiên liệu quân sự gần thành phố Mykolaiv, miền Nam Ukraine.

Chuyên gia Thakur đánh giá việc triển khai MiG-31K với tên lửa Kinzhal có ý nghĩa rất quan trọng vì cho đến nay, hệ thống vũ khí này vẫn chưa được triển khai bên ngoài lãnh thổ nước Nga và Moskva cũng không cần thiết phải làm như vậy vì nước này có thể tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào ở Ukraine từ Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cũng thừa nhận việc triển khai này của Nga là nhằm "gửi thông điệp đến phương Tây và cho thấy Belarus ngày càng đóng vai trò lớn hơn vào chiến dịch quân sự của Nga".

Ngoài ra, ông Thakur nêu rõ MiG-31K và tên lửa Kinzhal có thể sẽ là một thành phần quan trọng trong phản ứng của Nga trước sự xâm phạm của phương Tây đối với các ranh giới đỏ của Nga.

Sự tham gia của các lực lượng Mỹ và Anh trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hạm đội Biển Đen của Nga có thể là một hành động vi phạm theo quan điểm của Nga và Moskva có thể dự báo những vụ vi phạm như vậy của phương Tây sẽ gia tăng.

Các hành động khác của phương Tây mà Nga có thể coi là vi phạm sẽ bao gồm việc cung cấp vũ khí tấn công, chẳng hạn như máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa, hoặc tuyên bố thiết lập vùng cấm bay.

Tác động với cuộc xung đột ở Ukraine

Thông báo trên từ Bộ quốc phòng Anh đã làm dấy lên báo động về việc liệu Moskva có thể tăng cường dựa vào Belarus làm bàn đạp cho các cuộc tấn công vào Ukraine hay không.

Chú thích ảnh
Một kỹ thuật viên quân sự Nga kiểm tra máy bay chiến đấu MiG-31K mang tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal. Ảnh: AP

Tuy nhiên bình luận với tờ Newsweek ngày 2/11, một số chuyên gia cho rằng Nga đã gây chú ý khi triển khai tên lửa siêu vượt âm tới Belarus, nhưng động thái này không có khả năng thay đổi cuộc cục diện cuộc xung đột ở Ukraine ngay lập tức.

Alex Kokcharov, một nhà phân tích rủi ro tại London của S&P Global Market Intelligence, nói rằng Nga đã triển khai lực lượng ở Belarus và sự hiện diện của MiG-31K cùng Kinzhal lần này là "không có gì mới".

Ông Kokcharov nói: "Tôi cho rằng tất nhiên Ukraine ngày càng trở nên khó chịu về hành vi như vậy của Belarus. Điều này làm tăng khả năng Ukraine trả đũa với các cuộc tấn công vào các địa điểm quân sự của Belarus như sân bay hoặc radar. Những địa điểm này có thể ở khu vực miền Nam Belarus chứ không phải ở căn cứ không quân Machulishchi, gần thủ đô Minsk".

Về phần mình, cựu sĩ quan tình báo Anh Philip Ingram cũng cho rằng: "Nga cũng đã sử dụng không phận của Belarus cho một số cuộc tấn công vì vậy tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi lớn nào".

Vào tháng 8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã triển khai 3 máy bay đánh chặn hạng nặng MiG-31 được điều chỉnh để mang tên lửa Kinzhal tới khu vực Kaliningrad ở miền Tây nước Nga, nhưng đây được cho là động thái nhằm gây sức ép với Ukraine và phương Tây.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga "thỉnh thoảng" phóng tên lửa này trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng lượng dự trữ có hạn. Việc triển khai tên lửa này ở Belarus có thể giúp Nga có thêm lợi thế về việc tấn công các mục tiêu xa hơn về phía Tây của Ukraine, quốc gia có chung biên giới phía Bắc với Belarus.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nga cảnh báo xung đột trực tiếp giữa 5 cường quốc hạt nhân
Nga cảnh báo xung đột trực tiếp giữa 5 cường quốc hạt nhân

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ lo ngại 5 cường quốc hạt nhân đang đứng trước bờ vực xung đột vũ trang trực tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN