Tàu ngầm Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
|
Theo Bloomberg, ngày 4/1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí Frank Kendall ký văn bản ghi nhớ chính thức cho phép chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tiếp tục. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông Kendall đã bày tỏ hy vọng có thể hoàn thành việc này trước khi rời nhiệm sở khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hết nhiệm kỳ vào ngày 20/1.
Kế hoạch nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Barack Obama dù động thái này khiến nhiều người ủng hộ kiểm soát vũ khí không hài lòng. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội Twitter dường như cũng phát đi tín hiệu ủng hộ chiến lược hiện đại hoá hải quân khi đề cập “Mỹ phải tăng cường và mở rộng mạnh mẽ năng lực hạt nhân...”.
Tàu ngầm lớp Columbia là một phần trong chương trình nghìn tỷ USD bao gồm chi phí duy tu và bảo dưỡng, nhằm hiện đại hóa bộ ba hạt nhân biển – không – đất của Mỹ trong 30 năm tới.
Theo bản hợp đồng đang được thương thảo giữa hải quân Mỹ và tập đoàn General Dynamics, các tàu ngầm hạt nhân mới sẽ thay thế các tầu ngầm lớp Ohio cũ kĩ và Hungtington Ingalls Industries Inc., đơn vị đóng tàu hàng đầu của Lầu Năm Góc và có doanh thu lớn từ các hợp đồng đóng tàu này, sẽ là nhà thầu phụ.
Dự án 128 tỷ USD đã bao gồm chi phí lạm phát này đưa những chiếc tàu ngầm hạt nhân mới của Mỹ vào nhóm các chương trình quốc phòng đắt đỏ nhất của nước này, chỉ xếp sau hợp đồng máy bay F-35 trị giá 379 tỉ USD và mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo trị giá 153 tỷ USD.
Theo bản điều khoản do ông Kendall ký, ước tính chi phí mới nhất của hải quân cho việc đóng tàu ngầm bao gồm13 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, 115 tỷ USD dành cho mua sắm trang thiết bị. Theo chỉ đạo của ông Kendall, chi phí mua sắm trung bình của mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân là 8 tỷ USD, không bao gồm trang bị như lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng lẫn các loại vũ khí mang theo trên tàu.