Mặc dù hiện nay WikiLeaks được rất nhiều người biết tới, song trong thời gian mới thành lập, ít ai biết đến tên trang web này. Lúc đầu, trang web của WikiLeaks là nơi mà tất cả mọi người đều có thể đóng góp thông tin, đăng các tài liệu nhạy cảm. Khi đã được nhiều người biết đến, Wikileaks đã thay đổi mô hình hoạt động.
Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad. |
Các thông tin người đọc đăng lên phải thông qua kiểm duyệt, biên tập nghiêm ngặt. Mọi người không được tự đăng lên trang web những gì mà họ muốn nữa. Thay vào đó, bài muốn đăng sẽ phải gửi vào một “hộp thư vô danh” trên mạng được bảo vệ bằng mã hóa phức tạp, hoặc gửi bài theo cách thức truyền thống vào hộp thư bí mật.
WikiLeaks sẽ phân tích và kiểm tra độ tin cậy của thông tin một cách kỹ càng, sau đó sẽ viết một tin tổng hợp các ý chính của bài để công bố rộng rãi. WikiLeaks cũng đăng cả bài viết mà bạn đọc gửi để người đọc có thể tự phân tích tin tức dựa theo bài viết gốc.
Cuối năm 2006, đầu năm 2007, WikiLeaks bắt đầu nhận được những thông tin nhạy cảm đầu tiên. Đó là bài viết nói về vụ tham nhũng của gia đình cựu Thủ tướng Kênia Daniel Arap Moi. Tiếp đó, năm 2008, WikiLeaks tiết lộ thông tin về Thống đốc bang Alaska, Sarah Palin, ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống Mỹ. Trong đó có thông tin bà Palin đã từng sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân trên Yahoo để thảo luận các công việc của chính quyền.
Sau mỗi thông tin được công bố, WikiLeaks càng trở nên nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng sâu sắc hơn. Trong một thời gian ngắn, họ đã có thông tin về các chính phủ “có vấn đề” ở hầu hết mọi lục địa từ Xômali đến Kênia, rồi Thụy Điển, Anh và Đức. Bí mật của các ngân hàng Julius Baer hay các tài liệu mật về ngân hàng Bank of America cũng không thoát khỏi WikiLeaks. Trong thế giới của WikiLeaks, hầu như không một tội lỗi nào bị bỏ qua.
Cựu Thủ tướng Kênia Daniel Arap Moi. |
Tháng 7/2010, Julian Assange và WikiLeaks bắt đầu tập trung công kích chính phủ Mỹ bằng cách gửi trên 70.000 tài liệu liên quan đến cuộc chiến của Mỹ tại Ápganixtan tới các tờ báo lớn như The New York Times, Le Monde, El Pais, The Guardian và Der Spiegel. Trong số các tài liệu được tung ra có tài liệu tố cáo Mỹ dùng máy bay không người lái Reaper từ bang Nevada để săn đuổi và tiêu diệt những người bị nghi ngờ là thành viên của lực lượng Taliban mà không có xét xử. Bên cạnh đó, các tài liệu cũng tiết lộ rằng số dân thường bị thương vong cao hơn nhiều so với con số được công bố. Đặc biệt, nội dung làm cho Mỹ lúng túng nhất là thông tin cho thấy Pakixtan có quan hệ thân thiện với Taliban.
Tháng 10/2010, WikiLeaks tiếp tục công bố các tài liệu liên quan cuộc chiến của Mỹ tại Irắc. Trong cuộc chiến này, số dân thường thương vong cũng cao hơn nhiều so với báo cáo của Mỹ. Một thông tin còn cho thấy có tới 152 thường dân bị bắn chết ngay tại các điểm kiểm tra an ninh. Các tài liệu trên cũng cho biết cảnh sát và quân đội Irắc đã ngược đãi tù nhân. Nhiều tù nhân bị thương do bị đánh đập, thân thể bị thâm tím, bị đốt và thậm chí còn bị đánh bằng roi điện.
Biểu tượng của WikiLeaks. |
Quả bom thông tin gần đây nhất của WikiLeaks phát nổ vào ngày 28/11/2010 - một vài tháng sau khi tung ra quả bom tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ. Mỗi ngày, các tờ báo được WikiLeaks cung cấp thông tin như The New York Times, The Guardian, Le Monde, El Pais và Der Spiegel lại đăng tải những phát hiện mới trong số các điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong vòng 10 ngày, tổ chức này đã công bố gần 1% trong tổng số 250.000 điện tín họ có được. Trong số đó có nhiều thông tin chỉ mang tính chất “buôn chuyện” như các nhà ngoại giao cho rằng nhà lãnh đạo Kil Jong Il của CHDCND Triều Tiên là một người “ủy mỵ”, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi bị suy nhược và tự phụ, nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi có bốn người y tá Ucraina tóc vàng và thường xuyên sử dụng thuốc Botox để giữ vẻ trẻ trung.
Tuy nhiên, những thông tin nhạy cảm hơn cũng được tiết lộ như các quốc gia Arập không hài lòng với Iran. Mặc dù các nước như Arập Xêút và Ai Cập bề ngoài vẫn thể hiện đoàn kết song bên trong họ ngày càng lo lắng trước khả năng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân; và thậm chí còn lo ngại hơn về khả năng xảy ra một cuộc tấn công. Một điện tín khác cho biết trong một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), tất cả đã thống nhất rằng Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, là người lập dị, điên khùng. Những tài liệu khác cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập thông tin về thẻ tín dụng, thông tin của những người mà họ gặp gỡ ở nước ngoài như “tên cơ quan, chức vụ, số điện thoại, số di động, số fax, hãng máy bay thường xuyên sử dụng, lịch trình công việc và các thông tin cá nhân khác” - hay nói cách khác là thu thập tin tức tình báo. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người tiền nhiệm Condoleezza Rice đã ký các bức điện này.
Đương nhiên là chính quyền của Tổng thống Barack Obama rất "nóng mặt" khi những thông tin như vậy được phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chỉ trích kịch liệt, cho rằng việc tiết lộ tài liệu sẽ “làm mạng sống của nhiều người bị đe dọa, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và gây hại đến các nỗ lực của Mỹ trong phối hợp với các nước khác giải quyết vấn đề”.
Có một điều là tất cả những thông tin được tiết lộ trên đều mang đậm dấu ấn của người sáng lập WikiLeaks - Julian Assange.
Hoàng Yến
Đón đọc kỳ tới: Người phía sau bức màn