Trồng cây thuốc phiện ở Ápganixtan để chế biến hêrôin. |
Dĩ nhiên là hêrôin của Bayer cũng được sử dụng trong nhà thương điên. Năm 1900, bác sĩ Pastena đã phát hêrôin cho các bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần Napoli, những người điên, những người ngớ ngẩn, những người hoang tưởng, những người động kinh, những người bị liệt và những người mê sảng. Pastena nhận xét rằng, thuốc có tác dụng an thần lâu dài và trong một số trường hợp thậm chí khỏi bệnh. Các bác sĩ tâm lý Nga sử dụng hêrôin để chữa trị các "nỗi đau tâm hồn", các bác sĩ Ba Lan sử dụng hêrôin để điều trị các bệnh nhân mắc chứng thủ dâm. Hêrôin là loại thuốc ma quỷ có thể trợ giúp trong nhiều trường hợp, ngay cả đối với nữ bệnh nhân đáng thương của bác sĩ phụ sản Mirtl tại Viên. Năm 1899, bệnh nhân này nằm ở bệnh viện nữ Maria Theresia với chứng bệnh "cuồng dâm" xem chừng không thể chữa khỏi. Nhưng khi sử dụng hêrôin, việc điều trị đã có tiến triển.
Về tác dụng phụ, các bác sĩ chỉ ghi nhận trạng thái mơ màng, chóng mặt và táo bón, còn không ghi nhận tác hại nào khác. Những bác sĩ ngay từ khi hêrôin ra đời đã cảnh báo về nguy cơ gây nghiện vẫn chỉ là thiểu số. Bác sĩ Grinewitsch, người đã kê đơn hêrôin cho 2000 bệnh nhân cho rằng, không sợ có sự thèm muốn bệnh hoạn đối với loại thuốc này.
Trong hơn 500.000 lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam, có hơn 100.000 người nghiện ma túy. |
Phát biểu này trái ngược lại với những gì trẻ em được học ở trường vài chục năm sau. Vậy thì vì sao mà những người sử dụng hêrôin dưới thời vua Wilhelm II lại không bị nghiện như cháu chắt họ? Có lẽ điều quyết định không gây chứng nghiện khi đó là hình thức sử dụng hêrôin thịnh hành khi đó. Những người bệnh chỉ uống vài miligam, tức là chưa tới một phần mười số thuốc mà những người tiêm chích sử dụng sau này. Khi uống vào, phải mất một thời gian hêrôin mới tác dụng lên não. Những người sử dụng hêrôin khi đó không có cảm giác "phê", nhưng có lẽ thấy giảm đau và một chút hưng phấn. Đó là hai trạng thái mà họ mong muốn. Khi uống hêrôin, những người bệnh khi đó thấy dễ chịu trong cơ thể và tâm hồn.
Khi đó, người ta không nghĩ tới việc "hít, hút hoặc tiêm chích với liều cao". Vì vậy, trong một thời gian dài, tại châu Âu không có nạn nghiện hêrôin. Cho tới năm 1920, các nhà chức trách y tế Đức còn hoàn toàn không biết tới khái niệm "nghiện hêrôin".
Nhưng ở Mỹ, khách hàng "sộp" của Bayer, thì khác. Người Mỹ khi đó vốn đã bị coi là sống trong một dạng nhà nước xì ke ma túy. Có tới 10% các bác sĩ bị nghiện thuốc phiện, hàng trăm nghìn người tiêm chích morphin, vô số những người Hoa nhập cư nghiện hút thuốc phiện. Khoảng năm 1910, rất nhiều người chuyển sang dùng hêrôin. Khi các bệnh viện đầy ắp những người nghiện hêrôin, nhà nước mới bắt đầu tăng cường kiểm soát loại thuốc này và chặt chẽ hơn trong việc kê đơn. Khi đó, việc buôn bán hêrôin chuyển sang chợ đen, giá cả tăng lên, tội phạm khi buôn bán hêrôin cũng gia tăng. Đối với những nhà sản xuất thì đây là một cơ hội vàng, vì các hãng dược phẩm Đức và các nước khác thu lợi gấp bội trong kinh doanh ngầm. Vào cuối những năm 1920, nhu cầu chính thức của thế giới vào khoảng 2 tấn hêrôin, nhưng trong một năm, tới 9 tấn hêrôin đã được sản xuất ra.
Các hãng dược phẩm danh tiếng cũng buôn bán bí mật như mafia. Theo ông de Ridder, tập đoàn Hoffmann-La Roche của Thụy Sĩ đã thường xuyên cung cấp ma túy cho các tổ chức buôn lậu. Khoảng giữa những năm 1920, cảnh sát Hamburg phát hiện ra rằng hãng này đã vận chuyển hêrôin, morphin và cocain với danh nghĩa là những hóa chất vô hại. Để che giấu, họ đặt biệt danh cho hêrôin là "yeaxt", cocain là "yamyk". Vì hành động buôn lậu này, năm 1927, Ủy ban thuốc phiện quốc tế đã cảnh cáo tập đoàn Hoffmann-La Roche, cho rằng tập đoàn này không xứng đáng nhận được giấy phép buôn bán thuốc gây mê.
Sau những hiệp định quốc tế về thuốc phiện ngày càng chặt chẽ hơn, từ năm 1931, việc kinh doanh hêrôin của Bayer và các tập đoàn khác hầu như bị đình chỉ. Một số lượng ít ỏi hêrôin mà họ tiếp tục sản xuất thì bị kiểm soát nghiêm ngặt. Hêrôin bị cấm bán trong các hiệu thuốc. Từ một dược phẩm được coi là "anh hùng", giờ đây hêrôin bị coi là tác phẩm của ác quỷ. Việc sản xuất và buôn bán hêrôin trở thành trọng tội, có thể bị tử hình ở nhiều quốc gia, vì nó gây ra nhiều thảm cảnh nhà tan cửa nát, con người thì thân tàn ma dại. Vào thời kỳ đỉnh cao cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cuối những năm 1960, trong số 500.000 lính Mỹ tham chiến thì có tới trên 100.000 người nghiện ma túy, trong đó có hêrôin, góp phần tạo nên "Hội chứng Việt Nam" sau chiến tranh.
Hiện nay, hêrôin chỉ còn được sản xuất hợp pháp tại Anh. Người Anh vẫn coi đây là một loại thuốc giảm đau hiệu quả và sử dụng khoảng 300 kg một năm. Hêrôin có tác dụng nhanh hơn morphin, nhưng hiệu quả cũng giảm nhanh hơn. Nhưng nó cũng không làm biến đổi gien di truyền cũng không gây độc hại lâu dài. Theo ông de Ridder, việc loại bỏ hầu như hoàn toàn hêrôin cũng là điều bất lợi đối với những bệnh nhân bị những căn bệnh không thể chữa khỏi, gây đau đớn và những người hấp hối, vì đây là loại thuốc giảm đau hiệu quả, giúp họ giã từ cõi đời một cách nhẹ nhàng hơn.
Ông de Ridder cho rằng những kẻ tiêm chích ma túy hiện nay trông thảm hại không phải vì tại thuốc, mà vì hêrôin buôn lậu hay lẫn độc dược và nhiễm khuẩn, những kẻ tiêm chích hay sử dụng kim tiêm mất vệ sinh nên hay bị nhiễm trùng và mưng mủ.
Felix Hoffmann, cha đẻ của hêrôin, đã qua đời năm 1946 trong hoàn cảnh không vợ, không con và hầu như bị rơi vào quên lãng ở Thụy Sĩ. Hãng Bayer thậm chí cũng không đăng một lời cáo phó. Trong khi đó, Hoffmann là một người còn có công lớn khác: Ngày 10/8/1897, hơn 10 ngày trước khi ông tạo ra loại ma túy tai tiếng nhất của thế kỷ 20, thì ông đã tạo ra một loại thuốc cũng trở nên nổi tiếng thế giới, đó là aspirin, còn được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay.
Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)