Đón làn sóng chuyển dịch
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên của năm 2016, Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi đã xuất một container hàng dệt may sang Đức và một container đi Mỹ trị giá khoảng 30.000 USD. Ông Ngô Đức Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi, cho biết những lô hàng này đã kí trước và sản xuất trước đó để ngay đầu năm mới có thể đóng gói và xuất khẩu. Tương tự, Tập đoàn Tôn Hoa Sen cuối tháng 2 vừa qua cũng đã xuất lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm, có trị giá khoảng 10 triệu USD sang Mỹ. Đây là lô hàng tôn thành phẩm lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam xuất khẩu đến thị trường này.
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết với bốn hiệp định thương mại được kí kết trong năm 2015 đã đem lại cơ hội rất lớn cho DN Việt, đặc biệt là hiệp định TPP. Vì vậy, hiện nay có một làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nước vào Việt Nam để tranh thủ các lợi ích mà hiệp định TPP mang lại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay không phải là thành viên của hiệp định TPP.
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng giúp DN vô điều kiện để tạo thuận lợi cho DN phát triển, tự tin hội nhập. |
Cũng theo ông Nhân, hiệp định TPP là cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam về giảm thuế và mở rộng thị trường, đáng chú ý là thị trường Mỹ. Trong đó, mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ là 11 tỷ USD trong năm 2015, chiếm tới 50% trong tổng số hàng dệt may xuất khẩu; mặt hàng giày dép là 4,1 tỷ USD (chiếm 34%); mặt hàng đồ gỗ là 2,6 tỷ USD (chiếm khoảng 38%); mặt hàng thủy hải sản là 1,3 tỷ, chiếm 20%. “Rõ ràng, thị trường Mỹ là một thị trường lớn của Việt Nam, lớn thứ nhất về kim ngạch và lớn thứ 2 là tổng số thuế chúng ta phải đóng vào thị trường này. Chẳng hạn, dệt may năm 2014 chúng ta phải đóng 1,68 tỷ USD, giày dép là 445 triệu USD. Với lợi ích hiệp định TPP mang lại, trong năm đầu tiên thực hiện hiệp định TPP thì phía Mỹ sẽ giảm thuế cho các mặt hàng dệt may và giày dép của Việt Nam là 0%”, ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại thương vụ Nhật Bản, cũng cho hay Nhật Bản đang khó khăn về tái cơ cấu nông nghiệp và dân số Nhật Bản đang giảm mạnh. Theo tính toán, cứ 5 năm dân số về nông nghiệp sẽ giảm 20%. Vì thế, hiệp định TPP sẽ là cơ hội cho DN Nhật Bản và Việt Nam cùng hợp tác. Hiện đã có nhiều đoàn DN Nhật Bản đầu tư nông nghiệp, nông nghiệp chế biến, kể cả máy móc nông nghiệp tại Việt Nam. Mặt khác, Nhật Bản cũng đang có chính sách kích cầu tiêu dùng khi tham gia TPP, đó là giảm lãi suất. Hiện lãi suất gửi ngân hàng trung ương Nhật Bản - 0,1%, như vậy tiền ở trong dân và các tập đoàn Nhật Bản buộc phải đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, sẽ có làn sóng lớn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.
Thay đổi mạnh từ doanh nghiệp
Với những cơ hội từ các hiệp định TPP, ông Ngô Đức Hòa kì vọng đơn hàng trong năm 2016 sẽ tiếp tục dồi dào, nhưng sẽ cạnh tranh lớn bởi ngoài DN Việt cũng có nhiều DN ở các nước khác cũng sẽ vào Việt Nam đầu tư. “Vì thế, muốn cạnh tranh được phải hạ giá thành. Để làm được điều này phải có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ, chính quyền các cấp như thuế và hải quan”, ông Hòa chia sẻ.
Đồng tình ý kiến này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ đã lưu ý với DN Việt Nam: “TPP là mở cửa thị trường của nhau, không có nghĩa là họ mở cửa thị trường mỗi mình Việt Nam, mà ta cũng phải mở cửa thị trường nên sẽ có nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định TPP sẽ tràn vào Việt Nam, khiến chúng ta cũng phải cạnh tranh rất quyết liệt trên sân nhà. Ví dụ như ngành chăn nuôi của Việt Nam, chúng ta sẽ bị cạnh tranh rất lớn. Bởi theo tính toán của các Hiệp hội các nhà nhập khẩu thịt lợn của Mỹ, chi phí sản xuất 1 kg thịt lợn tại Mỹ chỉ bằng 1/3 chi phí sản xuất tại Việt Nam. Tương tự như các mặt hàng gia súc, gia cầm, trứng ở thị trường Mỹ, do điều kiện sản xuất lớn và năng suất hiệu suất cao nên chi phí sản xuất của họ thấp hơn rất nhiều lớn so với Việt Nam”.
Thừa nhận thách thức này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cũng chia sẻ việc xuất khẩu sang Mỹ vừa qua là điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Bởi thời gian qua, chính sách của nhà nước phần lớn “trải thảm cho DN FDI, khiến DN nội ngày càng “nhỏ” đi. Vì thế, hội nhập TPP không chỉ là cuộc chơi của DN nhà nước hay DN tư nhân mà là cuộc chơi của DN nội và DN ngoại. Đây là điều chính sách cần phải thay đổi, tập trung phần lớn ưu đãi cho DN sản xuất, hỗ trợ những chính sách tốt nhất để DN nội có cảm hứng để sản xuất và phát triển.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN khi hội nhập và có thể nắm bắt cơ hội mới, mới đây Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có cuộc gặp gỡ với các DN thành phố để lắng nghe ý kiến, đồng thời khẳng định sẽ sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho DN. “Tuy nhiên, các DN cũng phải bắt tay, hợp lực, tạo ra sức mạnh cạnh tranh, nắm giữ thị trường bán lẻ trong nước. Từng DN phải tái cơ cấu lại, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động… nhằm tăng sức cạnh tranh với các nước trong khư vực”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.