Ngày 30/6, NASA công kế hoạch để chuyển hướng những thiên thạch có nguy cơ va chạm với Trái Đất.
Nguy cơ về một thiên thạch gây nguy hiểm cho Trái Đất đã khiến các nhà khoa học bỏ công nghiên cứu biện pháp để đối phó. Ảnh: AP |
Theo NASA, các thiên thạch rơi xuống Trái Đất hằng ngày nhưng phần lớn thiên thạch rất nhỏ và đã bị thiêu cháy trên tầng khí quyển.
Dự án Thử nghiệm chuyển hướng thiên thạch đôi (DART), công trình hợp tác giữa NASA và Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng John Hopkins ở Maryland, được thiết kế để chống lại các thiên thạch kích thước lớn có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi va chạm với Trái Đất.
Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời bà Lindley Johnson tại NASA cho bết DART tận dụng kỹ thuật va chạm động lực để khiến thiên thạch thay đổi quỹ đạo (video dưới).
Mục tiêu dự kiến của DART là hệ tiểu hành tinh mang tên Didymos (có nghĩa là song sinh trong tiếng Hy Lạp), gồm thiên thạch Didymos A và thiên thạch nhỏ hơn Didymos B. Được biết Didymos B luôn quay quanh Didymos A.
Dự kiến vào tháng 10/2022, Didymos sẽ bay gần Trái Đất. Do vậy, NASA lên kế hoạch phóng tàu vũ trụ có kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh hướng tới Didymos B. Khi tàu vũ trụ của DART va chạm với thiên thạch, phương tiện này sẽ di chuyển ở vận tốc 5,9km/giây.
NASA phân tích rằng kỹ thuật va chạm động lực hoạt động dựa trên nguyên tắc thay đổi tốc độ của thiên thạch và khiến nó thay đổi quỹ đạo và không gây nguy hiểm cho Trái Đất.
Các nhà khoa học NASA sẽ nghiên cứu kết quả cuộc thử nghiệm và tác động của nó tới quỹ đạo của Didymos B quanh Didymos A để quyết định liệu kỹ thuật này có thích hợp với sứ mệnh bảo vệ Trái Đất hay không.