Tờ Daily Mail (Anh) ngày 23/2 cho biết hầu hết vũ khí laser phóng tia liên tiếp cho đến khi mục tiêu bốc cháy hoặc tan chảy. Tuy nhiên, vũ khí laser mới mà quân đội Mỹ đang phát triển có tên UPSL này phát ra xung sóng ngắn và đạt được 1 terawatt trong 200 femto giây (1 giây = 1.015 femto giây).
Theo Daily Mail (Anh), trong khoảng thời gian ngắn đó, UPSL có thể làm bốc hơi bề mặt của một máy bay không người lái. Có ý kiến cho rằng xung sóng ngắn còn gây gián đoạn các hệ thống điện tử lân cận do vậy UPSL được coi là một vũ khí xung điện từ.
Quân đội Mỹ đặt mục tiêu phát triển được mẫu thử nghiệm UPSL đầu tiên vào tháng 8/2022. Lầu Năm Góc đã đầu tư mạnh tay vào vũ khí laser nhằm hạ thủ từ xa máy bay không người lái, tên lửa và đạn súng cối của kẻ địch.
Dưới đây là video về một cuộc thử nghiệm vũ khí laser của Hải quân Mỹ (nguồn: Daily Mail):
Tờ New Scientist nhận định vũ khí laser có khả năng tấn công tốt các mục tiêu nhỏ di chuyển nhanh như tên lửa, máy bay không người lái.
Mỹ đã quan tâm đến vũ khí laser từ thập niên 80 của thế kỷ trước, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.
Đến thời Tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ đã thông qua chiến lược mới đẩy mạnh phát triển và triển khai vũ khí năng lượng trực tiếp.
Trong tháng 10/2020, Boeing và tập đoàn quốc phòng General Atomics tuyên bố hợp tác phát triển vũ khí có khả năng tấn công tên lửa trên bầu trời. Theo đó, vũ khí này trang bị laser 100 kilowatt, có thể tăng lên 250 kilowatt, để hỗ trợ phòng không.
Hải quân Mỹ cũng phát triển vũ khí laser có tên HELIOS có khả năng đạt 60 kilowatt và được triển khai trên nhiều loại chiến hạm.