Hậu COVID-19, khi nào cần đi khám?

Nhiều trường hợp người dân sau mắc COVID-19 vẫn có những triệu chứng dai dẳng, kéo dài, thậm chí nặng hơn khi mắc bệnh; cần được thăm khám để hỗ trợ, điều trị kịp thời.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 trong tình trạng khá nặng, phải hỗ trợ thở oxy. 

Triệu chứng dai dẳng sau mắc COVID-19

Trong giờ khám bệnh, tại khu vực tiếp nhận khám hậu COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khá đông người dân là các F0 đã âm tính đến để khám các triệu chứng hậu COVID-19.

Mới khỏi COVID-19, mấy ngày gần đây ông Lê Trung Lương, (74 tuổi, ở Lãng Yên, phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội), lại xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở, kèm với bệnh nền huyết áp nên đã chủ động đi khám.

Ngồi chờ khám, ông Lê Trung Lương cho biết: “Lúc bị dương tính, tôi có triệu chứng không đáng kể, chỉ có biểu hiện ho trong khoảng 2 ngày, huyết áp tăng, không sốt. Vì vậy sau khi đã khỏi, thấy dấu hiệu tức ngực, nghẹn, lại có cảm giác đau tim nên tôi chủ động đi khám ngay vì sợ hậu COVID-19. Đến bệnh viện tôi được chỉ định test lại thì vẫn có kết quả âm tính”.

Cũng được chỉ định khám, chụp phổi hậu COVID-19, chị Vũ Hương Giang (ở Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết: “Tôi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 từ ngày 3/3, nhưng đến nay tôi vẫn bị các triệu chứng: Ho, khó thở, đau tức ngực, cảm giác đau ngực xuyên từ trước ra sau. Đến nay tôi còn rất “đuối”, mệt, chưa thể đi lại bình thường và vẫn còn đang phải nghỉ làm. Hy vọng tôi được khám và điều trị, sẽ hồi phục nhanh hơn”.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ thăm khám cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, gần đây, các trường hợp bệnh nhân mắc triệu chứng hậu COVID-19 đến khám được ghi nhận rải rác ở tất cả các phòng khám với tất cả các chuyên khoa, trung bình khoảng hơn 100 bệnh nhân/ngày. Các trường hợp đến khám đa số là người già, người có bệnh lý nền trên 60 tuổi; cá biệt, có một số trường hợp còn trẻ nhưng cũng gặp phải tình trạng suy hô hấp không cải thiện, phải nhập viện điều trị nhiều lần.

Tại Bệnh viện cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân là nữ, 62 tuổi, từng mắc COVID-19 bệnh nhân và được điều trị ở một cơ sở y tế khác, khi xác định âm tính bệnh nhân được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, khi về nhà, bệnh nhân lại liên tục gặp tình trạng khó thở, mệt mỏi; được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Xác định bệnh nhân gặp tình trạng suy hô hấp không cải thiện, các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân thở oxy và các biện pháp hỗ trợ, sau đó chuyển sang khu Hồi sức khi tình trạng bệnh nhân nặng lên và tiếp tục phải can thiệp bằng ECMO. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không đáp ứng và tử vong sau khoảng 3 ngày chạy ECMO.

Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Qua các trường hợp đến Bệnh viện thăm khám, chúng tôi nhận thấy các triệu chứng hậu COVID-19 mà bệnh nhân gặp nhiều nhất là: Mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, thể lực giảm nhiều, bệnh nhân mất tập trung, rối loạn giấc ngủ và có những bệnh nhân gặp các rối loạn về tiêu hóa…”

“Qua tiếp nhận các trường hợp hậu COVID-19, chúng tôi nhận thấy ở các bệnh nhân từng nhiễm chủng Delta, dù khi mắc triệu chứng rất nặng nhưng hậu COVID-19 không thấy các triệu chứng rõ ràng; nhưng với các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, tuy triệu chứng lâm sàng khi mắc không nặng nhưng hậu COVID-19 thì có vẻ nặng nề hơn, một số bệnh nhân thậm chí còn phải chạy ECMO”, BS. Nguyễn Thu Hường cho biết.

Chú thích ảnh
Nhiều người phải nhập viện do các triệu chứng hậu COVID-19.
Chú thích ảnh

Theo dõi sát sức khỏe sau mắc COVID-19

Theo BS. Nguyễn Thu Hường, với các bệnh nhân sau khi mắc COVID-19, khi có các dấu hiệu của hậu COVID-19 nên được thăm khám và điều trị kịp thời. Nhất là các bệnh nhân sau khi ra viện, căn cứ vào tình trạng bệnh nhân như: Bệnh nhân phải dùng thuốc thuốc chống đông, bệnh nhân có bệnh lý nền… thì nên quay trở lại bệnh viện tái khám càng sớm càng tốt trong vòng 1 tuần đầu ra ra viện để có xét nghiệm, tiên lượng cho bệnh nhân, có can thiệt hỗ trợ cho bệnh nhân khi cần thiết.

Theo đó, qua thăm khám, các bác sĩ sẽ tiên lượng, giải thích và tư vấn cho bệnh nhân; nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được nhập viện điều trị. Với những bệnh nhân không cần nhập viện, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh tự theo dõi sức khỏe. Cụ thể, với bệnh nhân khó thở, cần hỗ trợ hô hấp sẽ được hướng dẫn cụ thể về các biện pháp tập thở, tập thể dục, chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp. Đặc biệt, bác sĩ cũng tư vấn liệu pháp tâm lý cho người bệnh, đây là yếu tô cực kỳ quan trọng với bệnh nhân sau mắc COVID-19.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh sau nhiễm COVID-19, dù khi mắc có hay không có triệu chứng, sau đó vẫn nên đến đi khám, tư vấn, kiểm tra để loại trừ các tổn thương. Bởi có những trường hợp, các di chứng để lại không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng nhưng tình trạng bệnh sẽ tiến triển dần và nặng lên. Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng để có phương án can thiệp kịp thời.

Tạ Nguyên-Lê Phú/Báo Tin tức
Lo hậu COVID-19, nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền triệu để chữa bệnh cho F0
Lo hậu COVID-19, nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền triệu để chữa bệnh cho F0

Nhiều người mắc COVID-19 hiện nay dù ở thể nhẹ nhưng vẫn sợ "hậu COVID-19" nên đã sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để mua các loại thuốc bổ, thuốc điều trị trên mạng hoặc qua bạn bè giới thiệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, điều này có thể bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, nguy hiểm đến sức khỏe bởi mỗi người có một thể trạng khác nhau sẽ có cách dùng thuốc khác nhau, kể cả thuốc bổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN