Xây dựng văn hóa cộng đồng mạng - Bài 1

Mọi sự tự do cũng đều phải có khuôn khổ của nó, đó là lý do dù là trong một cộng đồng mạng, dù là trên một trang thông tin cá nhân của mình; mỗi thành viên cũng cần xây dựng cho mình văn hóa “ứng xử”.


Yên ắng và hiền hòa thì không phải là bản chất của cộng đồng mạng nói chung và các group trên cộng đồng mạng nói riêng. Phải có “sóng”, phải có tranh luận, có “lời ném qua, tiếng ném lại” thì mới rôm rả, mới nhiều người quan tâm và tham gia. Nhưng dẫu có tranh luận, dẫu có tự do thì vẫn cần những khuôn khổ văn hóa nhất định, mới duy trì được sự bền vững cũng như thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau của các thành viên. Tuy nhiên, đây lại đang là điều thiếu vắng của nhiều group trên cộng đồng mạng.


Khi mới thành lập, group “Hội suốt ngày hỏi ăn gì bây giờ” thật sự là một nơi để những người sành ăn, những người yêu ẩm thực tìm đến. Với admin đều đã có thâm niên hàng chục năm “lê la quán xá”, biết từng ngõ ngách của những quán ngon Hà Nội, nên những thông tin được đưa ra, những quán được giới thiệu đều khiến người đọc tâm phục khẩu phục. Đặc biệt, sự khen chê dù chuẩn xác nhưng cũng rất chừng mực, khiến quán được khen cũng sướng mà quán bị chê cũng thấm thía và vui vẻ xin rút kinh nghiệm.


Những thành viên “chém gió” đã làm mất đi nhiều nét văn hóa của cộng đồng mạng.


Chính vì vậy, dù ra đời muộn hơn nhiều group ẩm thực khác, mà cũng không có những tên mĩ miều như “Món ngon Hà Nội” hay “Ẩm thực Hà Nội”, “Quà Hà Nội”, “Quán Hà Nội”... nhưng group này đã nhanh chóng nổi tiếng và được nhiều người xin gia nhập. Bản chất của group là phải đông vui, cần nhiều tiếng nói đóng góp của các thành viên, nên chỉ sau một thời gian, số thành viên của group đã lên tới hơn 32.000 thành viên. Và đó cũng là lúc các “sự vụ” bắt đầu.


Tham gia vào group, mỗi người chọn một cách. Có những người chỉ thích “tầu ngầm” để tích lũy thông tin, tất nhiên, đây cũng không phải là đối tượng mà các admin thích. Có những người chỉ tham gia những chủ đề mình quan tâm, cũng chưa hẳn là những thành viên tích cực. Cũng có những người luôn khơi mào cho những tranh luận với những thông tin, ý kiến mình đưa ra; đối tượng này bắt đầu được “thích” rồi. Nhưng đặc biệt nhất là những đối tượng, bất cứ một thông tin nào được đưa lên cũng đều nhảy vào bình luận, đôi khi nói trái chiều, đôi khi nói thuận chiều, nhưng nhiều nhất là “chửi”, mạt sát. Nói thì nghe cũng thấy sửng sốt là sao có những người “vô công rỗi nghề” tới vậy, nhưng đó là thực tế mà các group đang phải đối diện và đây chính là đối tượng tạo nên sự “thiếu văn hóa” cho các group của cộng đồng mạng.


“Mình vừa ăn ở quán... , đồ ăn ngon, phục vụ ổn”, một thành viên đưa thông tin về quán nọ lên. Ngay lập tức, một thành viên nào comment: “Quảng cáo thô quá”, “Lại quảng cáo cho quán hả”. Thừa nhận cũng có những quán chọn cách “núp bóng” lập nick giả để vào comment giới thiệu, nhưng cũng có những trường hợp hoàn toàn là vô tư, bị vơ đũa cả nắm. Người bị “vu oan” lập tức lên tiếng và sau đó là một cuộc tranh cãi, lời qua tiếng lại. Điều đáng nói, có những thành viên, có khi chẳng đọc đủ những comment, nắm rõ được thông tin tranh cãi; nhưng lướt qua thấy nói là “quảng cáo”, thế là cũng vào “chửi góp vui”. Kết thúc những cuộc tranh cãi này đôi khi là việc admin phải yêu cầu các thành viên dừng tranh cãi, dùng lời lẽ có văn hóa, thậm chí là “block” (chặn, không cho tham gia vào group) nick của một số thành viên.


Còn nhớ mới đây nhất là thông tin phê bình về một nhà hàng khá lớn, có tên tuổi được đưa lên, ngay sau đó, chủ cửa hàng đã vào có lời nhận lỗi và trực tiếp trao đổi với thành viên phản ánh và vì vậy thông tin được chính thành viên đưa lên xóa đi. Thế nhưng, thay vì tìm hiểu kỹ, ngay lập tức các thành viên khác nhảy vào xỉa xói, lên tiếng chất vấn vì sao phải xóa, ai xóa và sau đó không được trả lời thì quay sang... “chửi” luôn admin là chắc ăn tiền, có quan hệ, nên tìm cách hạ thông tin xuống một cách vô cùng gay gắt. Chưa hết, có người khơi ra thì có người xúm vào “đánh hội đồng”, cũng lên tiếng chỉ trích người này, người kia, lấy ví dụ này, ví dụ kia để đưa ra kết luận là thiếu công bằng trong group, là group này không thể chấp nhận được (trong khi chính bản thân họ xin tham gia vào group). Vụ việc gây bùng nổ trên group và admin đã phải viết “tâm thư” lên tiếng về việc bạn vào “nhà” tôi chơi mà dám chửi mắng tôi như vậy thì quả thật... không còn gì để nói. Kết quả sau vụ việc này, một số kha khá những thành viên thiếu văn hóa đã bị block khỏi group, mọi việc cũng đi vào khuôn khổ hơn.


Cũng chính vì những chuyện khóc không nổi, cười không xong này mà group đã phải ra một nội quy rất chi tiết và thể hiện cả sự “cay đắng” của chính các admin: “Đám khó tính chỉ điểm hàng dở và chia sẻ hàng ngon - "Mỗi người mỗi mồm" nên yêu cầu tôn trọng các ý kiến cá nhân. Đặc sản của hội là "cãi nhau" nhưng tuyệt đối không được "chửi nhau". Các bình luận chỉ trích cá nhân, xúc xiểm nhân thân sẽ không tồn tại. Nếu bạn đóng góp thông tin hữu ích, hội sẽ đông vui. Nếu bạn chỉ vào quảng cáo và phá đám, hội sẽ càng ngày càng chán, tự bạn làm mất uy tín cá nhân của quán, của thương hiệu "bị" bạn quảng cáo vô lối... và của cả hội. Tùy bạn lựa chọn”.



Nhóm phóng viên (còn tiếp)


Văn hóa mạng - Con dao hai lưỡi
Văn hóa mạng - Con dao hai lưỡi

Vào Facebook dần trở thành một thói quen khó từ bỏ, không ít người bị “nghiện” lúc nào không biết... Việc không thể kiểm soát thông tin, hoặc đua theo những trào lưu vô cảm, đang biến các trang mạng xã hội thành những cái bẫy nguy hiểm cho người sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN