Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều vấn đề, xu hướng mới khiến việc quản lý văn hóa chưa theo kịp với sự phát triển.
Nhiều hạn chế, bất cập
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Nguồn lực văn hóa, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy, phát triển toàn diện. Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng và phát huy sức mạnh. Quan trọng hơn cả là cán bộ, đảng viên, nhân dân coi trọng hơn các giá trị văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống. Người dân có cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Môi trường văn hóa được cải thiện, gia đình văn hóa được chú trọng, văn hóa trong các doanh nghiệp được quan tâm, xã hội quan tâm hơn đến việc gìn giữ bản sắc dân tộc, từng bước tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới…
Trình diễn Lễ tra hạt của người Khơ Mú trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên 2014. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận sẽ thấy những kết quả về phát triển của văn hóa còn nhiều bất cập, yếu kém.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng: “Kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 chưa đủ để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đời sống kinh tế có bước phát triển song đời sống tinh thần chưa theo kịp, thậm chí có một số mặt suy giảm. Điều đáng nói là tình trạng suy thoái đạo đức trong xã hội có chiều hướng lan rộng với tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cùng tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của các bộ có chức quyền đã gây tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ giá trị truyền thống không còn được coi trọng và phát huy như trước, có nhiều mặt bị đảo lộn. Các giá trị mới chưa hình thành hoặc phát triển nhưng chưa bền vững dẫn tới sự mất định hướng về nhân cách. Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền có xu hướng gia tăng, chi phối mạnh đời sống xã hội, gây hậu quả xấu đối với việc xây dựng con người…
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 cho thấy: Đời sống văn hóa tinh thần ở một bộ phận và nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, lạc hậu. Thêm vào đó khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và khoảng cách giữa các tầng lớp nhân dân còn lớn. Môi trường văn hóa bị xâm hại, thiếu lành mạnh, tiếp thu nhiều giá trị, lối sống từ bên ngoài còn thiếu chọn lọc, lai căng, trái thuần phong mỹ tục. Công tác quản lý văn hóa ở các cấp còn nhiều yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, xử lý chậm và thiếu kiên quyết với sai phạm. Quan trọng hơn cả là toàn ngành chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh như: công nghiệp văn hóa, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn hóa mạng, văn hóa cho giới trẻ để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả…
Cốt lõi vẫn là xây dựng nhân cách con người
Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, sau 15 năm thực hiện, dù bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều biến đổi nhưng các quan điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, việc bổ sung, phát triển nội dung của một số quan điểm đó là cần thiết, phù hợp quy luật phát triển, định hướng xây dựng, phát triển văn hóa đến năm 2020, nhất là vấn đề con người. Trong đó, tư tưởng, đạo đức, lối sống cần đặt lên hàng đầu, lấy việc xây dựng nhân cách con người làm trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa. Do vậy, cần có những biện pháp quyết liệt, liên tục, chặn đứng những suy thoái, đấu tranh chống mọi tiêu cực xã hội làm tha hóa con người chính là tạo tiền đề và điều kiện vững chắc cho phát triển văn hóa.
Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc là việc không phải của riêng ngành văn hóa mà cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Khắc phục những yếu kém về văn hóa cần bắt đầu từ văn hóa, nhưng không chỉ bằng văn hóa. Các hoạt động kinh tế và chính trị, các mối quan hệ xã hội trên lĩnh vực kinh tế và chính trị thường xuyên tác động tới tâm tư, tình cảm của mỗi con người. Do đó, việc bổ sung, phát triển một số điểm trong Nghị quyết Trung ương 5 để phù hợp với thực tiễn xã hội cần làm rõ mục tiêu, động lực của văn hóa không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển toàn diện con người.
Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lối sống con người, nhiệm vụ mới được nêu ra là xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa trong kinh tế, xây dựng một nền công nghiệp văn hóa hiện đại đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời với bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa dân tộc…
Thanh Giang