Khởi đầu lộ trình tự chủ
Từ ngày 23 - 27/3, Nhà hát Kịch Việt Nam có chuyến lưu diễn sang Singapore biểu diễn vở Hamlet, hưởng ứng “Năm Shakespeare toàn cầu 2016” và nhằm giới thiệu sân khấu Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác với nước ngoài. Trong chuyến lưu diễn này, đoàn sẽ tổ chức một chương trình giao lưu đặc biệt giữa các nghệ sỹ với các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Singapore.
Cảnh trong vở kịch “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, chuyến lưu diễn này là sự phối hợp giữa Nhà hát Kịch Việt Nam với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đại Sứ quán Việt Nam tại Singapore, để hưởng ứng “Năm Shakespeare toàn cầu 2016” và nhằm giới thiệu sân khấu Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác ở nước ngoài. Toàn bộ kinh phí trong chuyến lưu diễn được Tập đoàn Tân Hiệp Phát hỗ trợ, các nghệ sỹ có điều kiện thoải mái sáng tạo nghệ thuật.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, năm 2016 là năm đầu tiên Nhà hát Kịch thực hiện lộ trình tự chủ thu chi, cắt giảm ngân sách của Nhà nước. Và chuyến lưu diễn lần này là sự khởi đầu cho lộ trình xã hội hóa của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Năm 2016 có 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL tiếp tục lộ trình tự chủ, trong đó có Nhà hát Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam… Trước đó, năm 2015, Bộ VHTTDL chọn 5 đơn vị nghệ thuật thí điểm tự chủ. Các đơn vị nghệ thuật này thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định 43).
Phải thừa nhận rằng, khi được trao quyền tự chủ, các đơn vị nghệ thuật sẽ chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp sẽ gắn với chất lượng, hiệu quả công việc. Hướng đi này cũng tạo nền tảng để các đơn vị thích nghi với quy luật xã hội, thích nghi với nền kinh tế thị trường, giải phóng sức sáng tạo, đặc biệt là xóa bỏ sự trì trệ, lực cản trong tư duy bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, khi chính thức bước vào lộ trình xã hội hoá, nhiều đơn vị nghệ thuật, cũng như các nghệ sỹ, không khỏi trăn trở, bởi lẽ, khi còn bao cấp, toàn bộ khoản chi tiền lương, tiền bồi dưỡng, thù lao biểu diễn, vận hành đơn vị, đi biểu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa… đều được Nhà nước cấp hàng năm, dù thu nhập không cao, nhưng ổn định. Trong khi đó, khi tự chủ, thì toàn bộ kinh phí các nhà hát sẽ phải chịu trách nhiệm, gánh nặng kinh tế này khiến lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật “đau đầu”, đặc biệt là với những loại hình nghệ thuật kén khán giả như kịch, cải lương, tuồng, chèo...
Tìm hướng đi riêngCó thể thấy, lộ trình tiến tới tự chủ của các nhà hát là con đường đầy chông gai, nhưng các nhà hát vẫn phải tìm mọi cách để vượt lên, phải tự tìm hướng đi cho đơn vị mình. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nghệ thuật, tìm cách kéo công chúng đến với sân khấu, nhiều nhà hát đã tìm đến các “Mạnh Thường Quân”, tìm cách kết nối với các doanh nghiệp lớn kêu gọi đầu tư cho hoạt động sân khấu.
Nhà hát Tuổi Trẻ là một trong những đơn vị khá thành công trong việc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, qua dự án “Chắp cánh niềm tin”, ngân hàng SHB đã tài trợ biểu diễn gần 500 suất diễn miễn phí cho lớp khán giả trẻ đã giúp họ hiểu và gần gũi hơn với nghệ thuật sân khấu. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng thành công trong việc kêu gọi Tập đoàn Hoa Sen thực hiện 10 suất miễn phí vở hài kịch “Bệnh sĩ" tại 7 tỉnh, thành phía Bắc, và gần đây là chương trình đưa vở kịch Hamlet sang Singapore biểu diễn.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) khẳng định, việc các doanh nghiệp đầu tư cho nghệ thuật sân khấu sẽ giúp các nhà hát có thêm nguồn lực trong quá trình sáng tạo, trong quá trình quảng bá tác phẩm nghệ thuật đến công chúng. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp bản thân lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật làm quen với tư duy thị trường trong việc sáng tạo tác phẩm sân khấu. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, bởi khi quen tư duy năng động, sáng tạo, bươn chải và huy động mọi nguồn lực xã hội, sẽ làm thay đổi tư duy trì trệ của lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật.
Bên cạnh đó, khi các đơn vị có sự đồng hành của các doanh nghiệp, thì các nghệ sỹ sẽ hiểu thêm về giá trị cuộc sống, hiểu thêm con người, thực tế trong thời cơ chế thị trường, từ đó có cách nhìn sáng tạo, gần gũi thực tế hơn trong quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, nâng cao được tầm văn hóa của cả doanh nghiệp lẫn bản thân các đơn vị nghệ thuật, và vượt lên trên đó là ý thức của cả cộng đồng trong việc cùng nhau giới thiệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu do các doanh nghiệp thông qua hình tượng nghệ thuật và quảng bá các giá trị văn hóa của các đơn vị nghệ thuật…
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Chương, việc tự chủ thu chi sẽ buộc các đơn vị nghệ thuật phải tìm tòi, khám phá để có những tác phẩm tốt hơn. Bởi nếu không có tác phẩm tốt, không bán được vé, sẽ không có doanh nghiệp đồng hành, như vậy đồng nghĩa với việc không có nguồn thu... Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, xã hội hóa là con đường cần thiết để phát triển sân khấu. “Nhưng muốn xã hội hóa, muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn, càng phải có tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, vì không đơn vị nào hợp tác với những sản phẩm không có uy tín”, ông Vinh khẳng định.