Tại buổi Lễ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum công bố Quyết định số 1021/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”; Quyết định số 1022/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”.
Tỉnh Kon Tum có 14 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là nghệ nhân A Lêr, A Khul (thành phố Kon Tum), A Phung, Y Der (huyện Đăk Hà), A Chiêu (huyện Đăk Tô), A Huynh, Y Gáih, Y Brai, Y Nia, Y Ber, A Rĩe, Y Trieng, A Phương, A Bích (huyện Kon Rẫy); 1 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là nghệ nhân A Ôi (huyện Kon Plong). Các Nghệ nhân ưu tú mới của tỉnh Kon Tum được phong tặng, truy tặng danh hiệu lần này đều nắm giữ và truyền thụ nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật trình diễn dân gian, dạy cồng chiêng, múa xoang, tri thức dân gian, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng dân gian,…
Tại buổi lễ, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum được tăng cường và chú trọng, nhiều loại hình di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy như các lễ hội truyền thống, ngành nghề truyền thống, các phong tục tập quán, làn điệu dân ca, nghệ thuật diễn xướng sử thi, các loại nhạc cụ truyền thống… Những giá trị di sản văn hóa này không chỉ đang được phát huy trong đời sống hàng ngày tại các cộng đồng thôn, làng, mà còn từng bước được giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Những thành quả trên có phần đóng góp to lớn của các nghệ nhân - là những người sáng tạo, gìn giữ, phát huy và trao truyền lại cho các thế hệ kế tiếp để các loại hình di sản văn hóa truyền thống được tồn tại, phát triển cùng với sự phát triển chung của xã hội. 15 nghệ nhân được phong, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là phần thưởng xứng đáng nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Kon Tum; không chỉ là niềm vinh hạnh đối với các nghệ nhân, gia đình mà còn là niềm niềm vui lớn đối với cộng đồng các dân tộc, các ngành, các cấp của tỉnh Kon Tum.
“Với tri thức dân gian và kinh nghiệm của mình, tôi mong muốn các nghệ nhân có nhiều đóng góp hơn nữa trong việc duy trì, truyền dạy, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của cộng đồng, địa phương cho các thế hệ kế tiếp, góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời các nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng phát triển, văn minh”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Y Ngọc nhấn mạnh.
Đối với Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất, năm 2022, sau ba ngày tranh tài sôi nổi ở các nội dung nghệ thuật như hát dân ca, tái hiện trích đoạn lễ hội truyền thống, chỉnh chiêng, diễn tấu cồng chiêng,… Ban Tổ chức Hội thi đã trao giải A toàn đoàn cho đoàn nghệ nhân hai huyện Đăk Hà, Đăk Glei; giải B thuộc về đoàn nghệ nhân huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, thành phố Kon Tum; đoàn nghệ nhân các huyện Ia H’Drai, Đăk Tô, Kon Plong giành giải C; đoàn nghệ nhân hai huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy đạt giải Khuyến khích.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Hội thi cũng trao các giải chuyên đề như Đội có trang phục đẹp nhất, nghệ nhân nhỏ tuổi xuất sắc nhất, nghệ nhân lớn tuổi xuất sắc nhất và các nghệ nhân có cống hiến trong việc hỗ trợ luyện tập cho các Đội nghệ nhân tham gia Hội thi; Giải chương trình cho các Đội nghệ nhân…